Phản ánh tới Tạp chí Đời sống và Pháp luật, bà Phạm Thị Hồng Tuý cung cấp nhiều tài liệu, hồ sơ cho thấy quá trình bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại diện tích đất bị thu hồi để thực hiện Dự án nâng cấp Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có nhiều sai sót.
Theo đó, bà Phạm Thị Hồng Tuý cho biết hiện đang là đại diện đứng tên trên Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vào sổ số CH00398 ngày 12/8/2010, gồm thửa 78, 79. 80. 82, 580 (phân triết từ thửa 78, 79, 80), tờ bản đồ số 13, tài liệu 02/CT-UB.
Theo bà Tuý, phần đất trên có nguồn gốc từ thời cha ông để lại, do ông Phạm Văn Lượng (cha bà Tuý) sử dụng trước năm 1975, được cấp Giấy CNQSDĐ số 313/QSDĐ ngày 23/7/1993. Sau khi ông Lượng qua đời, các đồng thừa kế đã thống nhất để bà Tuý đứng tên trên Giấy CNQSDDD và các giấy tờ có liên quan.
Hiện tại, các phần đất nêu trên bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện Dự án nâng cấp Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tuy nhiên, theo bà Tuý, quyền lợi hợp pháp của bà và gia đình đang bị UBND huyện Bình Chánh xâm phạm nghiêm trọng, thể hiện qua các quyết định thu hồi, cưỡng chế đất trái pháp luật, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa thoả đáng.
Cụ thể, với Dự án nâng cấp Quốc lộ 50 tại huyện Bình Chánh, ngày 13/8/2012, UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định số 4624/QĐ- UBND về thu hồi đất của bà Phạm Thị Hồng Tuý (tại xã Đa Phước) để thực hiện dự án nâng cấp Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh, TPHCM.
Căn nhà của gia đình bà Phạm Thị Hồng Tuý bị ảnh hưởng bởi hai dự án nâng cấp Quốc lộ 50 và Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đến ngày 23/12/2014, UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định 15138/QĐ-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về đất, vật kiến trúc với bà Phạm Thị Hồng Túy (đại diện hộ gia đình) với diện tích đất bị ảnh hưởng là 633,5m2, áp đơn giá đất nông nghiệp trong khu dân cư nông thôn mặt tiền Quốc lộ 50 là 1.750.942 đồng/m2, tổng số tiền bồi thường về đất và nhà, công trình kiến trúc, cây trồng là 1.213.241.709 đồng (Một tỷ, hai trăm mười ba triệu, hai trăm bốn mươi mốt ngàn, bảy trăm lẻ chín đồng).
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hồng Túy, giá bồi thường đất nêu trên là bất hợp lý bởi diện tích đất bị thu hồi đủ điều kiện để được bồi thường theo đơn giá đất ở. Vì vậy, bà Tuý đã có đơn khiếu nại Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh. Trong lần giải quyết khiếu nại lần thứ nhất vào ngày 20/4/2016, UBND huyện Bình Chánh đã bác nội dung khiếu nại của bà Tuý liên quan đến yêu cầu bồi thường về giá đất ở, đất trong cùng thửa đất có nhà ở.
Sau khi tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch UBND TPHCM, đến ngày 25/10/2016, UBND huyện Bìh Chánh mới ban hành quyết định về việc bổ sung bồi thường, hỗ trợ thiệt hại.
“Vì những sai phạm của UBND huyện Bình Chánh nên đến năm 2016, chúng tôi mới được áp giá bồi thường theo giá đất ở, thời gian giải quyết bồi thường kéo dài dẫn đến việc bồi thường bổ sung không sát với gíá trị đất, tài sản bị thiệt hại tại thời điểm bồi thường”, bà Tuý cho biết.
Đồng thời, theo bà Tuý, chủ trương của Văn phòng UBND TP.HCM đã chỉ đạo thống chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được áp dụng theo chính sách của dự án có lợi nhất cho người dân, áp dụng đối với toàn bộ diện tích đất bị thu hồi ở hai dự án.
“Tuy dự án xây dựng Cao tốc Bến Lức – Long Thành có chính sách bồi thường, hỗ trợ cao hơn nhưng UBND huyện Bình Chánh lại áp giá bồi thường của Dự án nâng cấp quốc lộ 50, dẫn đến việc quyền lợi gia đình chúng tôi không được đảm bảo”, bà Túy bức xúc. Sau đó, bà Tuý tiếp tục khiếu nại vấn đề này tới các cấp lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, UBND TP.HCM nhưng đều không được giải quyết thoả đáng.
Một nội dung khác được bà Tuý phản ảnh liên quan đến quá trình thu hồi đất để thực hiện dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Theo đó, ngày 3/9/2015, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định số 7521 về việc bồi thường, hỗ trợ với bà Phạm Thị Hồng Tuý, tổng chi phí là hơn 3,3 tỷ đồng. Đến ngày 25/2/2017, UBND huyện Bình Chánh tiếp tục ban hành quyết định số 3242 về việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung với bà Túy, tổng chi phí hỗ trợ bổ sung là hơn 542 triệu đồng.
“Tôi và những hộ gia đình đang sinh sống tại phần đất bị thu hồi đã có đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện, yêu cầu lập hồ sơ bồi thường riêng cho từng hộ gia đình đang sinh sống trên phần đất bị thu hồi”, đơn khiếu nại nêu rõ.
Theo hiện trạng tại thời điểm có quyết định thu hồi, phần đất có 4 hộ dân sinh sống ổn định, không có tranh chấp, đều có chung quyền sử dụng đất (do ông Phạm Văn Lượng để lại), bao gồm bà Phạm Thị Hồng Tuý, bà Phạm Thu Hồng, ông Phạm Văn Chiến, bà Nguyễn Xuân Dung. Các hộ đều có số hộ khẩu riêng và nhà riêng trên phần đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, trong quá thu hồi đất để làm dự án, UBND huyện Binh Chánh không bố trí tái định cư cho các hộ gia đình. Các hộ dân không có căn nhà nào khác tại địa phương đã rơi vào cảnh vô gia cư, không biết đi đâu, về đâu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người dân.
Toà án đang phân xử, UBND huyện Bình Chánh vẫn tiến hành cưỡng chế đất
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình, năm 2019 bà Phạm Thị Tuý đã tiến hành các thủ tục cần thiết để khởi kiện hành chính UBND huyện Bình Chánh về các vấn đề liên quan đến quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi xây dựng Dự án nâng cấp Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Đơn khởi kiện UBND huyện Bình Chánh của bà Phạm Thị Hồng Tuý đang được Tòa án Nhân dân TPHCM thụ lý.
Tuy nhiên, khi sự việc đang được Toà án TPHCM thụ lý thì bất ngờ, ngày 18/7/2022, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất với phần đất của bà Phạm Thị Hồng Tuý.
“UBND huyện Bình Chánh đã không thực hiện đúng quy trình pháp luật. Khi gia đình chúng tôi đang thực hiện khiếu nại, khởi kiện thì bị quyết định cưỡng chế với lý do công trình chạy nước rút do chỉ đạo của cấp trên. Chúng tôi hiện không được hỗ trợ tái định cư, không có thời gian di dời bởi UBND huyện chỉ cho gói gọn trong 20 ngày”, đại diện gia đình bà Phạm Thị Hồng Tuý bức xúc.
Tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!
Hiếu Nguyễn