Bộ Y tế vừa phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Luật BHYT và lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật BHYT sửa đổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã khái quát lại một số kết quả sau 05 năm thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó nổi bật là tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên nhanh chóng, hiện đạt gần 90% dân số cả nước; quyền lợi BHYT của người dân được đảm bảo thể hiện rõ qua số lượt khám, chữa bệnh liên tục tăng qua các năm…
Dù vậy, với thực tiễn phát triển nhanh chóng, việc thực hiện BHYT đã và đang đặt ra một số vấn đề cần điều chỉnh Luật nhằm hướng tới mục tiêu phát triển BHYT bền vững hơn, tiếp tục mở rộng diện bao phủ BHYT tới các nhóm chưa tham gia, điều chỉnh mức đóng để phù hợp hơn với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, giảm mức chi từ tiền túi của người bệnh; sửa đổi các quy định để đảm bảo thực hiện nhịp nhàng giữa cơ quan tổ chức thực hiện BHYT và các cơ sở khám, chữa bệnh…
Toàn cảnh hội nghị |
Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đưa ra những thống kê, đánh giá chi tiết với những số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ bao phủ BHYT qua các năm; Công tác giám định BHYT từng bước được ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá…
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thực hiện Luật BHYT trong giai đoạn vừa qua cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các tuyến cơ sở, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện còn xảy ra; tình trạng trục lợi BHYT ngày càng phức tạp, xuất phát từ cả phía người dân (cố tình đi khám bệnh nhiều lần) và các cơ sở y tế (chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết…).
Dự thảo sửa đổi Luật BHYT được Ban soạn thảo xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, sửa đổi quy định về phạm vi hưởng quyền lợi, kiểm soát chi phí qua việc sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH…
Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đánh giá cao quá trình xây dựng nội dung bước đầu của Ban soạn thảo. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật BHYT theo hướng toàn diện, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, hướng tới mục tiêu phát triển BHYT bền vững. Đây mới chỉ là bước đầu nghiên cứu, xây dựng các nội dung sửa đổi; để hoàn thiện, cần có nhiều đánh giá đầy đủ, khoa học, chặt chẽ hơn, dự báo tác động…
Thu Hà