Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình huống "nhường" quyền trả lời tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia có đúng luật chơi?

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Bà Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3) - Đài Truyền hình Việt Nam cho hay, thí sinh có “nhường” hay không đưa ra được câu trả lời, chương trình chỉ ghi nhận là không đưa ra được đáp án.

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23 ngày 8/10 đã diễn ra đầy kịch tính và mang lại nhiều cảm xúc.

Trong chặng cuối của cuộc đua, khi hai thí sinh Lê Xuân Mạnh (Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa) và Nguyễn Trọng Thành (Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) đang áp sát nhau với điểm số lần lượt là 220 và 215 điểm, Nguyễn Minh Triết (Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế) quyết định chủ động nhường quyền trả lời câu hỏi cuối cùng cho 2 bạn chơi.

Cụ thể, câu hỏi Minh Triết nhận được như sau: "Cho bốn số nguyên dương phân biệt sao cho tổng của mỗi hai số chia hết cho 2 và tổng của mỗi ba số chia hết cho 3. Tìm giá trị nhỏ nhất của tổng bốn số này".

Ngay sau khi nhận câu hỏi, Minh Triết quyết định không trả lời để nhường lại cơ hội cho 2 "đối thủ".

“Hiện tại cả hai bạn Trọng Thành và Xuân Mạnh đều xứng đáng với danh hiệu vô địch. Để công bằng nhất em sẽ nhường câu hỏi này cho hai bạn tranh tài”, Minh Triết cho biết.

Ngay lập tức, Trọng Thành bấm chuông trả lời. Tuy nhiên, với câu trả lời không đúng, Trọng Thành bị trừ 30 điểm, chỉ còn 185 điểm. Vì thế, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 gọi tên Lê Xuân Mạnh, Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Tình huống "nhường" quyền trả lời của Minh Triết gây xôn xao.

Ngay sau cuộc thi, hành động của Minh Triết gây nhiều bàn tán. Số đông tán dương hành động của thí sinh đến từ Thừa Thiên - Huế. Việc Minh Triết nhường quyền trả lời cho hai người có điểm số sát nút giúp cuộc thi trở nên gay cấn hơn. Nhưng một số ý kiến cho rằng Minh Triết nên thi đấu hết mình dù số điểm không thể giúp anh giành vòng nguyệt quế.

Trước sự việc, trả lời PV báo Vietnamnet, bà Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3) - Đài Truyền hình Việt Nam, cho hay: “Đó là một cách nói khác của thí sinh về việc không trả lời được. Khi thí sinh không trả lời được câu hỏi, nghiễm nhiên các bạn chơi khác được quyền giành quyền trả lời”.

XEM THÊM: Thí sinh làm điều chưa từng có tiền lệ tại Đường lên đỉnh Olympia khiến ai cũng phải kinh ngạc

Bà Loan cho hay, thí sinh có “nhường” hay không đưa ra được câu trả lời, chương trình chỉ ghi nhận là không đưa ra được đáp án. “Chỉ xét hệ quả của sự kiện chứ không xét cách nói”, bà Loan chia sẻ.

Trong khi đó, một thành viên ban sản xuất chương trình Đường lên đỉnh Olympia cho biết thêm: “Khi thí sinh bước vào chương trình thì thí sinh được làm chủ tất cả diễn tiến phần chơi của mình và không ai có quyền can thiệp”.

Theo vị này, chương trình không quy định luật lệ gì thêm. Cũng theo vị này, thực ra những tình huống nói “nhường lại” tương tự này cũng đã từng diễn ra trong các chương trình Đường lên đỉnh Olympia trong nhiều năm qua.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật