Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình hình sức khỏe của hai học sinh lớp 11 ngộ độc thuốc lá điện tử

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Ngày 8/5, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ vừa tiếp nhận 2 học sinh cấp 3 bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử.

Theo Vietnamnet, học sinh là V.B.N và N.T.Q (17 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.

Được biết các học sinh này có tiền sử khỏe mạnh, sử dụng thuốc lá điện tử không thường xuyên. Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, hai em hút thuốc lá điện tử, sau đó thấy nôn nao, bủn rủn tay chân, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn. 

Nơi tiếp nhận hai học sinh ngộ độc thuốc lá điện tử. Ảnh: BVCC

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc thuốc lá điện tử, kíp trực nhanh chóng cấp cứu ban đầu và chuyển khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Đến nay, hai em đã ổn định và xuất viện.

Pháp Luật Việt Nam dẫn lời Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Thắng, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Ngộ độc thuốc lá điện tử thường hay xảy ra ở lứa tuổi học sinh cấp hai, cấp ba, vị thành niên, bởi đây là độ tuổi bộ não còn đang phát triển, rất dễ bị tác động bởi các loại chất kích thích. Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này còn có nhu cầu thể hiện bản thân, thử cảm giác mới lạ. Biểu hiện chung thường gặp khi ngộ độc thuốc lá điện tử là cảm thấy choáng váng, khó thở, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, hôn mê, mất ý thức.

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn đã cấp cứu nhiều trường hợp học sinh ngộ độc thuốc lá điện tử. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã tiếp nhận 2 học sinh lớp 11 sau khi hút thuốc lá điện tử đều nhập viện với các biểu hiện nêu trên. Dù tình trạng ngộ độc không quá nặng nề và được chúng tôi cấp cứu kịp thời, song nếu các em vẫn tiếp tục sử dụng thì chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe, tinh thần về sau”, bác sĩ Thắng thông tin thêm".

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em ,vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.

Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.

Tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa

Khi hút thuốc lá điện tử thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường. Trong bút vape (vếp) chứa chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.

Các chuyên gia cho biết, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.

Theo WHO, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm từ các nước đã cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy: Cả người đang hút thuốc lá điếu thông thường và người không hút thuốc lá sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường hoặc hút song song cả hai loại sản phẩm

Trước những mối nguy tiềm ẩn, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, chú ý tới con cái, đặc biệt là các dấu hiệu bất thường ở trẻ, như: thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, mất tập trung, nói lảm nhảm... cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Cùng với đó, gia đình và nhà trường cần tăng cường truyền thông, giáo dục cho trẻ vị thành niên để các em hiểu rõ những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cùng các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ mắc phải.

Thùy Dung (t/h)

 

Tin nổi bật