Nam bác sĩ mắc Covid-19 đầu tiên ở nước ta chỉ còn sốt nhẹ, ho khan, sức khoẻ dần ổn định và đang được điều trị, cách ly như những bệnh nhân khác.
Nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 - Ảnh: Zing.vn |
Zing.vn đưa tin, sáng ngày 23/3, bộ y tế thông báo có thêm 3 ca mắc Covid-19 ở Việt Nam, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 116 ca. Trong đó, đang chú ý là một bác sĩ khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) - nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19, đã nhiễm virus.
Nam bệnh nhân này (BN116) là bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 31/1 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi nhiễm đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.
Trong quá trình làm việc, bệnh nhân được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, bệnh nhân nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.
Ngày 19/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau rát họng, ngày 20/3, bệnh nhân xuất hiện thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt.
Ngày 21/3, bệnh nhân tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, được xét nghiệm lần 1, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm sau đó gửi sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho cùng kết quả.
Nhận định về nguyên nhân nam bác sĩ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mắc bệnh Covid-19 do nhiễm chéo từ người bệnh, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng bộ Y tế chia sẻ với Người lao động cho rằng, trong quá trình thao tác có thể bác sĩ tiếp xúc gần với đường thở của bệnh nhân Covid-19 nên đã lây virus. Ngay khi có thông tin về ca bệnh, bộ Y tế đã chỉ đạo ban giám đốc bệnh viện rà soát lại nhân viên khoa Cấp cứu. Đến nay, 28 nhân viên đã được kiểm tra, xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại Khoa Cấp cứu đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Hàng ngày, các bác sĩ và điều dưỡng đã phải chia ca kíp để điều trị, khám, chăm sóc cho các bệnh nhân. "Ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 và người đến cách ly, bệnh viện luôn đặt công tác phòng hộ, bảo vệ nhân viên y tế lên hàng đầu. Tất cả nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân và người cách ly đều phải mặc những bộ quần áo bảo hộ theo tiêu chuẩn mà bộ Y tế quy định, khẩu trang cũng là khẩu trang N95. Tại Khoa Cấp cứu, mỗi nhân viên làm việc 8 giờ sẽ được nghỉ 1 lần giữa ca sau 4 giờ làm việc để để giải quyết các vấn đề cá nhân nhưng ngay cả việc cởi bỏ trang bị phòng hộ cũng tiềm ẩn nguy cơ", bác sĩ Cấp chia sẻ với Người lao động.
Cũng theo bác sĩ Cấp, không có trang phục phòng hộ nào có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh 100% cho các nhân viên y tế. Chẳng hạn, khẩu trang N95 là khẩu trang có độ an toàn cao nhất được thế giới khuyến cáo nhân viên y tế sử dụng trong các tình huống tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng chỉ ngăn được 95% giọt bắn mang mầm bệnh. Trong khi đó, mỗi ngày, nhân viên y tế có thể phải đối mặt với rất nhiều thao tác có nguy cơ rất cao như đặt ống nội khí quản, lấy mẫu bệnh phẩm ở mũi họng bệnh nhân…
Thông tin từ bệnh viện cho biết đến tối 23/3, nam bác sĩ mắc Covid-19 đầu tiên ở nước ta chỉ còn sốt nhẹ, ho khan, sức khoẻ dần ổn định và đang được điều trị, cách ly như những bệnh nhân khác.
Quỳnh Chi (T/h)