Ukraine xác nhận lại hứng “bão không kích”,
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Lực lượng không quân Ukraine cho biết, quân đội Nga đã phóng 28 máy bay không người lái (UAV) tấn công và ba tên lửa hành trình nhằm vào lãnh thổ nước này trong đêm ngày 6 và rạng sáng ngày 7/1 (theo giờ địa phương).
"Nga đã tấn công bằng 28 UAV tấn công Shahed-136/131 từ khu vực Primorsko-Akhtarsk (Nga) và 3 tên lửa phòng không dẫn đường S-300 từ tỉnh Donetsk. Hướng tấn công chính là phía Nam và phía Đông", thông báo của Lực lượng không quân Ukraine nêu rõ. Trong đó, hệ thống phòng không của Ukraine đã phá hủy 21 máy bay không người lái. Ukraine không tiết lộ điều gì đã xảy ra với 3 tên lửa hành trình.
Thiệt hại ghi nhận ở Dnipro, Ukraine sau cuộc tấn công ngày 7/1. Ảnh: Reuters
Chính quyền khu vực Dnipropetrovsk xác nhận trên Telegram rằng 12 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở thành phố Dnipro. Ngoài ra, một cơ sở giáo dục và ký túc xá, hai tòa nhà chung cư và một tòa nhà hành chính đã bị hư hại.
“Đối phương (Nga) đang chuyển trọng tâm tấn công sang các vùng lãnh thổ tiền tuyến. Khu vực Kherson và Dnipropetrovsk đã bị máy bay không người lái tấn công”, người phát ngôn Lực lượng Không quân Yury Ihnat nói trên đài truyền hình quốc gia.
Ông Ihnat cho biết máy bay không người lái Nga chủ yếu bị các đội cơ động phá hủy, giúp lực lượng không quân vượt qua tình trạng khan hiếm các tên lửa phòng không. Ông tiết lộ Ukraine đã sử dụng một số tên lửa để đẩy lùi hai cuộc tấn công lớn gần đây của quân đội Nga và "các quy trình đang được tiến hành để tiếp tục cung cấp cho Ukraine số lượng tên lửa cần thiết để đẩy lùi các cuộc tấn công trên không".
Bộ Quốc phòng Nga trước đó xác nhận, quân đội nước này từ cuối tháng 12/2023 đã tiến hành một loạt các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa dẫn đường chính xác nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine.
Các mục tiêu được nhắm đến gồm cơ sở hạ tầng công nghiệp quốc phòng, căn cứ không quân, kho vũ khí, đạn dược, kho nhiên liệu, vị trí đóng quân của Ukraine. Gần 300 tên lửa và hơn 200 máy bay không người lái đã được Nga triển khai trong những ngày cuối năm 2023 và những ngày đầu năm 2024.
Ukraine – Nga giao tranh khốc liệt ở 2 mặt trận
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 7/1 thông báo, trong ngày qua, 45 cuộc đụng độ đã được ghi nhận ở tiền tuyến, hầu hết là ở mặt trận Avdiivka và Kherson.
Tổng cộng, Nga đã tiến hành 9 cuộc tấn công tên lửa, 84 cuộc không kích, đồng thời thực hiện 50 lần khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt vào các vị trí của quân đội và khu định cư Ukraine. Hơn 100 khu định cư ở các tỉnh Chernihiv, Sumy, Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk, Kherson và Mykolaiv đã bị pháo kích.
Nga - UKraine giao tranh ác liệt ở mặt trận Avdiivka và Kherson. Ảnh: Business Insider
Trong khu vực trách nhiệm của Nhóm chiến lược tác chiến Pivnich (Miền Bắc) trên mặt trận Sivershchyna và Slobozhanshchyna, quân đội Nga duy trì sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới, tiến hành các hoạt động phá hoại tích cực nhằm ngăn chặn việc chuyển quân Ukraine đến các khu vực dễ bị tổn thương và tăng mật độ các bãi mìn dọc biên giới Belgorod.
Trong khu vực trách nhiệm của Nhóm chiến lược Odesa trên mặt trận Kherson , binh sĩ Ukraine tiếp tục các biện pháp mở rộng đầu cầu đã thiết lập của họ. Lực lượng Không quân Ukraine đã tấn công 19 cụm quân nhân Nga và một hệ thống tên lửa phòng không.
Các đơn vị từ Lực lượng Tên lửa và Pháo binh đã nhắm vào bốn cụm nhân sự, hai sở chỉ huy, một điểm lưu trữ đạn dược, ba khẩu pháo, một hệ thống radar phòng không và bốn hệ thống phòng không. Chiến sự Nga – Ukraine đã kéo dài gần 2 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.
Phương Uyên (Theo Reuters và Pravda)