Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức Ukraine mới nhất ngày 5/11: Nga phát tín hiệu rút khỏi Kherson, Ukraine lo bị "gài bẫy"

(DS&PL) -

Tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 5/11/2022. Cập nhật tin tức tình hình Ukraine mới nhất ngày 5/11/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nga phát tín hiệu rút khỏi Kherson, Ukraine lo bị "gài bẫy"

Một quan chức do Nga chỉ định ở khu vực Kherson (miền Nam Ukraine) ngày 3/11 cho biết lực lượng nước này có khả năng sẽ rút khỏi bờ Tây sông Dnipro, nơi người dân đã được sơ tán trong những tuần gần đây.

Ông Kirill Stremousov, Phó lãnh đạo chính quyền Kherson cho biết: “Nhiều khả năng các đơn vị và các binh sỹ của chúng tôi sẽ rời sang tả ngạn con sông”. Vùng Kherson bao gồm thành phố Kherson – thủ phủ khu vực, đồng thời là thành phố lớn duy nhất của Ukraine bị Nga kiểm soát hoàn toàn kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2 vừa qua. Khu vực này cũng bao gồm một con đập nằm chắn ngang sông Dnipro, kiểm soát nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea.

Các quan chức cấp cao của Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì trước việc người dùng mạng xã hội chia sẻ một số bức ảnh về các tòa nhà quan trọng ở Kherson không còn treo cờ Nga.  

Pháo binh Ukraine chuẩn bị khai hỏa về phía Kherson, ngày 28/10/2022. Ảnh: Al Jazeera

 
Trong thời gian gần đây, Nga được cho là đã củng cố các vị trí phòng thủ bên ngoài thành phố. Quân đội Ukraine nói rằng Nga đang di chuyển pháo hạng nặng đến bờ Đông của con sông.

Bà Natalia Humeniuk, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy phía Nam của Ukraine cho rằng các cuộc điều động bất thường của Nga ở Kherson có thể là một “cái bẫy” được dàn dựng để chờ các lực lượng Ukraine. Cụ thể, phía Kiev nhận định: “Bất kỳ tín hiệu nào về việc Nga rút quân có thể là một hành động nhằm đánh lừa Ukraine rằng họ đã rời khỏi các khu định cư và quân đội Ukraine có thể vào đó một cách an toàn. Xem xét thực tế là họ đã chuẩn bị cho các cuộc giao tranh trong một thời gian dài và cách họ phân bố các đơn vị của mình, chúng tôi nhận thấy đây có thể là một chiến thuật đã được lên kế hoạch và chúng ta không nên ăn mừng quá sớm. Chúng ta phải hiểu rằng trong chiến tranh các bên có thể áp dụng rất nhiều chiến thuật khác nhau và các cuộc tấn công có thể được tính toán kỹ lưỡng để làm suy yếu quân đội đối phương”.

Ukraine đã tiến công Kherson kể từ đầu tháng 10, tấn công các cây cầu chính bắc qua sông Dnipro, khiến Nga gặp khó khăn trong việc tiếp tế cho binh sỹ ở bờ Tây của con sông.

Ông Michael Kofman, nhà phân tích quân sự kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA, một tổ chức tư vấn quốc phòng của Mỹ cho rằng, rất khó dự đoán chính xác ý định của Nga dù tình hình trên thực địa đang có nhiều thay đổi. Chuyên gia này lưu ý Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ khu vực Kherson – nơi có tầm quan trọng chiến lược và chính trị to lớn đối với họ.

Trước đó, tình báo Ukraine cho biết Nga đã triển khai khoảng 40.000 binh sĩ tới bờ Tây sông Dnipro để ngăn quân đội Ukraine chiếm lại Kherson. Khi các lực lượng Ukraine tiến vào từ phía Bắc và phía Tây, họ đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Các quan chức Ukraine cho rằng, trận chiến giành thành phố này trong thời gian tới sẽ rất ác liệt bởi Nga không bao giờ chấp nhận thất bại.

Mỹ viện trợ thêm 400 triệu USD vũ khí cho Ukraine

Hôm 4/11, Lầu Năm Góc công bố đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Gói viện trợ này trị giá 400 triệu USD.

Lầu Năm Góc mua vũ khí và thiết bị cho Ukraine trực tiếp từ các công ty và nhà cung cấp vũ khí. Trong gói này có 45 xe tăng T-72 cái tiến từ thời Liên Xô, được Mỹ và Hà Lan mua từ Cộng hòa Séc. Tên lửa phòng không HAWK của Mỹ cũng sẽ được gửi cho lực lượng của Kiev.

Khoản kinh phí trong gói viện trợ mới cũng sẽ được sử dụng để cải tiến 250 xe bọc thép M1117, được Mỹ sử dụng từ những năm 1990. Hơn nữa, Kiev cũng sẽ nhận được 1.100 máy bay không người lái "kamikaze".

Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 18,9 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Đến nay, chính quyền Biden đã dành hơn 65 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine kể từ khi hoạt động quân sự của Nga bắt đầu vào hồi tháng 2.

Quốc hội Mỹ dự kiến ​​sẽ thông qua dự luật viện trợ khổng lồ khác trước khi nhiệm kỳ mới bắt đầu vào tháng 1, với trị giá lên tới 50 tỷ USD.

Gần đây nhất, Mỹ cũng viện trợ 725 triệu USD vũ khí cho Ukraine hôm 14/10, gói viện trợ mới này bao gồm đạn dược dành cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, hàng ngàn viên đạn pháo 155mm và hơn 200 xe ô tô Humvee. 

Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên gửi vũ khí tới Kiev, cho rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài, làm gia tăng thương vong và gây hậu quả lâu dài đối với Ukraine.

Minh Hạnh (T/h) 

 

Tin nổi bật