Ông Putin nói Ukraine thay đổi chiến thuật phản công
"Hiện tại có một số thay đổi. Họ (lực lượng chỉ huy Ukraine) dùng xe bọc thép đưa quân ra tiền tuyến. Sau khi chuyển các binh lính, phương tiện này sẽ biến mất ngay lập tức. Rõ ràng, họ đang giữ các phương tiện này vì sợ mất chúng. Và họ tấn công bằng bộ binh, khiến các binh lính phải hứng chịu đạn pháo của xe tăng, pháo binh của Nga", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại cuộc họp báo sau khi gặp các nhà lãnh đạo châu Phi ở St. Petersburg hôm 29/7.
Ông Putin cho rằng, sự thay đổi trong chiến thuật của Ukraine "chắc chắn" có liên quan đến tổn thất về phương tiện bọc thép. Ông ước tính từ khi phát động phản công từ ngày 4/6, Ukraine đã thiệt hại xe tăng 415 và hơn 1.300 xe bọc thép các loại cũng bị phá hủy. Trong số các thiết bị này, khoảng 2/3 là thiết bị của phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNN
Nhã lãnh đạo Nga nhận định quân đội Ukraine không chỉ chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường mà còn gặp khó khăn về nhân lực. Ông nói rằng, trong khi bắt giữ các tù nhân, Nga phát hiện Ukraine đã "thành lập các đơn vị quân sự" bao gồm các kỹ thuật viên máy bay.
"Không có thay đổi đáng kể nào và tôi nghĩ điều này là do đối phương đã rút các đơn vị tấn công của họ đến những nơi mà họ đang khôi phục khả năng chiến đấu. Họ đã chịu tổn thất nặng nề cả về nhân lực và thiết bị", ông Putin cho biết.
Ông chủ Điện Kremlin cũng trả lời câu hỏi về các vụ chạm trán gần đây giữa máy bay Nga và Mỹ ở Syria. Bình luận về khả năng đối đầu trực tiếp giữa quân đội Nga và NATO, Tổng thống Putin tuyên bố Nga "luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản".
Ukraine bắt đầu đàm phán về đảm bảo an ninh với Mỹ
Hãng tin Reuters đưa tin, Ukraine sẽ bắt đầu tham vấn với Mỹ trong tuần này về việc cung cấp các đảm bảo an ninh cho Kiev trong khi chờ hoàn tất quá trình gia nhập NATO.
“Chúng tôi đang bắt đầu đàm phán với Mỹ. Các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ là những nghĩa vụ cụ thể, lâu dài nhằm đảm bảo khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi quân Nga trong tương lai. Đây sẽ là những định dạng và cơ chế hỗ trợ được vạch ra rõ ràng”, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết.
Cũng theo ông Yermak, các cuộc đàm phán về đảm bảo an ninh với Mỹ là bước tiếp theo các cam kết do G7 đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva hồi đầu tháng 7 nhằm xây dựng các đảm bảo an ninh cho Kiev. Các đảm bảo an ninh này “sẽ có hiệu lực cho đến khi Ukraine nhận tư cách thành viên NATO”.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius hồi đầu tháng 7, NATO đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc đối phó với xung đột kéo dài ở Ukraine song không ấn định thời gian để Kiev gia nhập khối một khi nước này vẫn chìm trong tình trạng xung đột. Phương Tây cũng đã cam kết cung cấp vũ khí lâu dài cho Kiev.
Bên lề hội nghị, các thành viên G7 đã đồng ý cho mỗi quốc gia đàm phán thỏa thuận song phương nhằm đảm bảo an ninh và giúp tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine. Chánh Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky thông tin rằng, hơn 10 quốc gia khác đã tham gia tuyên bố G7 và Ukraine đang đàm phán các điều khoản đảm bảo tương lai với quân đội từng nước.
Trong khi phương Tây liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine, chính quyền Nga lại cho rằng việc này chỉ làm gia tăng các hành động thù địch và khiến các nước phương Tây can dự sâu hơn vào cuộc xung đột.
Phương Uyên (T/h)