Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với hãng tin Vlast, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng cuộc tấn công của Nga ở Kharkov khiến Moscow chịu thiệt hại về nhân lực gấp 8 lần Ukraine. "Cuộc đột phá của họ vào Kharkov, xảy ra cách đây hơn 2 tuần, (đã kết thúc) với thương vong quân sự đạt tỷ lệ 8/1, nghĩa là cứ 1 người Ukraine so với 8 người Nga", ông nói nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images
Nga chưa bình luận về số liệu này. Rất khó để một bên thứ 3 xác minh thông tin do một bên trong cuộc chiến cung cấp, vì đó có thể là chiến thuật tâm lý. Trước đó, Nga đã mở các mũi tấn công trên diện rộng nhằm vào khu vực biên giới với Ukraine, trong một nỗ lực mà Moscow mô tả là tạo ra "vùng đệm" ngăn Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga.
Nga đã giành được hơn 10 ngôi làng trong thời gian ngắn và Ukraine từng thừa nhận tình thế rất khó khăn. Ngày 24/5, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố, Kiev đang đẩy lùi quân Nga khỏi các vị trí trên mặt trận Kharkov thông qua phản công và đã giành được thành công ở một số khu vực.
"Hoạt động phòng thủ của Ukraine vẫn tiếp tục và quân đội của chúng tôi đang đẩy lùi các hành động tấn công của Nga. Tình hình vẫn khó khăn nhất ở các mặt trận Kupiansk, Pokrovsk, Kramatorsk và Kharkov", thông báo viết.
Trong khi đó, ông Zelensky ngày 24/5 cho biết, quân đội Ukraine đã giành quyền kiểm soát tác chiến ở các khu vực mà Nga đột kích trước đó ở phía bắc tỉnh Kharkov. Cùng ngày, quyền Phó Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine Ihor Prokhorenko cho hay, Ukraine đã chặn đứng quân Nga ở Kharkov và bắt đầu phản công.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, mỗi quyết định nên được cân nhắc kỹ lưỡng. Đức ủng hộ các nỗ lực phòng thủ của Ukraine nhưng không muốn tình hình leo thang thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với châu Âu và toàn thế giới nếu điều đó xảy ra", hãng thông tấn Tass dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: CNN
Ông Olaf Scholz cũng nhắc lại rằng viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine đã lên tới 28 tỷ Euro. Cách đây không lâu, Berlin cam kết cung cấp thêm một hệ thống Patriot nhằm thúc đẩy các quốc gia khác tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, ông Scholz lại một lần nữa tuyên bố phản đối gửi tên lửa Taurus cho Ukraine vì điều đó có nghĩa là binh lính Đức sẽ phải giúp Ukraine đặt mục tiêu cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác. "Điều này là không thể nếu bạn không muốn trở thành một bên tham gia xung đột, nhưng vẫn muốn tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất của châu Âu.
Ukraine đã đề nghị Đức cung cấp cho nước này tên lửa Taurus từ khá lâu. Những tên lửa này được coi là tương tự với tên lửa Storm Shadows mà Anh cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, tên lửa Taurus có thể bay xa hơn Storm Shadow, lên tới 500km.
Thủ tướng Đức đã liên tiếp bác bỏ việc chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine. Theo ông, để sử dụng những tên lửa này được hiệu quả, quân nhân Đức phải tham gia và đây là ranh giới mà ông không muốn vượt qua.
Chủ đề này lại được nêu ra sau khi Mỹ quyết định phân bổ một gói viện trợ khác cho Ukraine. Dù vậy, ông Scholz vẫn tiếp tục giữ vững quan điểm của mình và nói rằng không có ý định thay đổi quyết định.