Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhie trưng cầu ý dân về gia nhập Nga
Ngày 20/9, lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk, cũng như các vùng Kherson và Zaporozhie đã quyết định tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập LB Nga. Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục giải phóng các vùng lãnh thổ của mình.
Ở cả 4 khu vực nói trên, việc bỏ phiếu sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27/9. Luật của Donetsk, Lugansk, và các sắc lệnh của những người đứng đầu các khu vực Zaporozhie và Kherson về việc tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề gia nhập LB Nga có hiệu lực vào ngày 20/9.
Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tại Liên bang Nga Rodion Miroshnik cho biết, Donbass quan tâm đến tính hợp pháp của thủ tục trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga, cũng như sự chấp thuận của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS. Đại diện của các phương tiện truyền thông, kể cả nước ngoài, sẽ được mời tham dự cuộc trưng cầu ý dân.
Quân đội Ukraine bên trong thành phố Izium. Ảnh: Reuters.
Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhắc lại quan điểm của Nga rằng, chính người dân của các vùng lãnh thổ này nên xác định tương lai của mình. Theo ông, tình hình hiện nay khẳng định rằng, người dân ở Donbass muốn làm chủ vận mệnh của chính mình.
Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin đảm bảo rằng Hạ viện của Quốc hội Nga sẽ hỗ trợ người dân Donbass, nếu họ muốn gia nhập Liên bang Nga. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng, các cuộc trưng cầu ý dân ở Donbas cần được tổ chức và chúng có tầm quan trọng lớn đối với việc khôi phục công bằng lịch sử. Sau khi các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk được chấp nhận vào Nga, sự chuyển đổi địa chính trị trên thế giới, theo ông, sẽ trở nên không thể đảo ngược.
Về phía Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Dmitry Kuleba tuyên bố, kế hoạch của các nước cộng hòa Donbass, các khu vực Zaporozhie và Kherson "sẽ không thay đổi được gì". "Ukraine có mọi quyền để giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và sẽ tiếp tục giải phóng chúng, bất kể họ nói gì ở Nga". Còn người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine Andrei Yermak gọi cuộc trưng cầu ý dân sắp tới là "vụ tống tiền".
Tổng thống Erdogan: Nga muốn chấm dứt xung đột sớm nhất có thể
Trả lời truyền thông hôm 19/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết đã có cuộc trao đổi "rất sâu rộng" với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Uzbekistan tuần qua.
Cụ thể, ông Erdogan nói: "Ông ấy thực sự cho tôi thấy là ông ấy sẵn sàng chấm dứt (xung đột) ngay khi có thể. Đó là ấn tượng của tôi, bởi những gì đang xảy ra ngay lúc này quả thực là vấn đề".
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Nga có thể sẽ đưa ra một quyết định đáng chú ý trong thời gian tới.
Theo ông Erdogan, việc Nga trả lại các vùng lãnh thổ đang kiểm soát sẽ là một phần quan trọng của một thỏa thuận lâu dài. Ông cho biết: "Nếu hòa bình được thiết lập tại Ukraine, đương nhiên việc trả lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là điều quan trọng".
Trước đó, ông Erdogan cho biết Nga và Ukraine đã đồng ý trao đổi 200 tù binh. Đây sẽ là một trong những cuộc trao đổi lớn nhất kể từ khi chiến sự xảy ra.
“Hai trăm người sẽ được trao đổi dựa trên thỏa thuận giữa các bên. Tôi nghĩ một bước tiến lớn sẽ được thực hiện”, ông Erdogan nói.
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24/2, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cố gắng giữ vị trí trung lập.
Một mặt, Ankara kêu gọi kết thúc chiến sự và cung cấp máy bay chiến đấu không người lái cho Kyiv. Mặt khác, nước này không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Minh Hạnh (T/h)