Nguồn lực quân sự của Ukraine sắp cạn kiệt
"Bất chấp sự trợ giúp toàn diện từ phương Tây, các lực lượng vũ trang của Ukraine không thể đạt được kết quả. Kết quả sơ bộ của chiến sự cho thấy nguồn lực quân sự của Ukraine gần như cạn kiệt", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu phát biểu tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow hôm 15/8.
Ông Shoigu cho biết thêm rằng, vũ khí của phương Tây "không có gì độc đáo" và không "bất khả xâm phạm" trước vũ khí của Nga trên chiến trường. Ông nhấn mạnh trong nhiều trường hợp, "thiết bị quân sự từ thời Liên Xô vẫn vượt trội về chất lượng tác chiến so với các thiết bị quân sự của phương Tây".
Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhận định nguồn lực quân sự của Ukraine sắp cạn kiệt. Ảnh: Getty Images
Theo ông Shoigu, Bộ Quốc phòng Nga có dữ liệu liên quan đến việc loại bỏ vũ khí phương Tây bao gồm các xe tăng của Đức, xe bọc thép của Mỹ, tên lửa của Anh và các hệ thống vũ khí khác. Ông cho biết Moscow sẵn sàng chia sẻ với các đối tác những đánh giá liên quan đến các điểm yếu của thiết bị quân sự phương Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga tiết lộ rằng phần lớn binh lính Ukraine bị bắt đã đưa ra những nhận định tiêu cực về cách thức huấn luyện quân sự của phương Tây. Tại lễ khai mạc triển lãm quốc phòng thường niên Army-2023 hôm 14/8, Ông cũng cho biết trong điều kiện thực tế, vũ khí của Nga "cho thấy độ tin cậy và hiệu quả". Trong khi đó, "các khí tài được quảng cáo rộng rãi của phương Tây cho thấy chúng còn lâu mới hoàn hảo trong thực tế".
Ông Shoigu, các tập đoàn quốc phòng của Nga không chỉ "nhanh chóng thích nghi để hoạt động dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt ngặt nghèo" của phương Tây, mà còn tăng tốc độ sản xuất vũ khí gấp nhiều lần.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và NATO được cho là đã cung cấp cho Kiev các loại vũ khí, thiết bị và đạn dược với tổng trị giá hơn 100 tỷ USD. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/8 đã công bố gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine, bao gồm đạn phòng không, đạn pháo, thiết bị chống thiết giáp và thiết bị rà phá bom mìn bổ sung.
Ukraine tuyên bố đạt bước tiến quan trọng, Nga tổn thất lớn trong tuần qua
Hé lộ lý do Ukraine không thể sớm nhận tiêm kích F-16
Theo thông tin mới nhất từ tờ Washingtonpost, ngày 12/8, một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên cho biết khóa đào tạo vận hành tiêm kích F-16 cho nhóm phi công đầu tiên của nước này sẽ không thể kết thúc trước mùa hè năm 2024. Đây được coi là nỗi thất vọng lớn với Ukraine, nước từng hy vọng những tiêm kích F-16 đầu tiên có thể tham chiến ngay từ tháng 9 để hỗ trợ chiến dịch phản công.
Sau nhiều do dự, Tổng thống Mỹ Joe Biden từ hồi tháng 5 ủng hộ các quốc gia châu Âu viện trợ cho Kiev loại chiến đấu cơ này. Đan Mạch và Hà Lan đang dẫn đầu liên minh 11 quốc gia hỗ trợ đào tạo phi công F-16 cho Ukraine.
Ukraine không thể sớm nhận tiêm kích F-16. Ảnh: Getty Images
Hai quan chức Ukraine cho biết chỉ 6 phi công, tương đương một nửa trung đoàn không quân, đủ điều kiện tham gia khóa huấn luyện vận hành F-16. Hai phi công khác sẽ đóng vai trò dự bị, sẵn sàng lấp chỗ trống nếu có người không thể theo học.
6 phi công Ukraine này thông thạo tiếng Anh, nhưng vẫn phải đến Anh học tiếng thêm 4 tháng để làm quen với những thuật ngữ liên quan đến máy bay. Khóa học này cũng bao gồm các kỹ thuật viên mặt đất người Ukraine, bởi Đan Mạch muốn huấn luyện toàn bộ đội ngũ vận hành và bảo dưỡng phi cơ, thay vì chỉ đào tạo phi công đơn lẻ.
Điều này khiến khóa huấn luyện vận hành F-16 cho phi công Ukraine, dự kiến kéo dài tối thiểu 6 tháng, sẽ không thể bắt đầu trước tháng 1/2024. Nhóm phi công thứ hai cũng chỉ có thể bắt đầu đào tạo từ cuối năm 2024.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng sự chậm trễ bắt nguồn một phần là do Ukraine tới gần đây mới cung cấp danh sách phi công sẵn sàng tham gia huấn luyện. Một quan chức giấu tên của nước này cho hay: "Chỉ 8 trong 32 ứng viên vượt qua được bài kiểm tra ngoại ngữ, số còn lại sẽ phải học thêm. Chúng tôi sẵn sàng chào đón thêm người nếu Ukraine có thể tập hợp họ".
Một lý do khác khiến quá trình chuyển giao F-16 bị trì hoãn là bất đồng trong quan điểm giữa Ukraine và phương Tây về vai trò của loại tiêm kích này. Kiev muốn nhận tiêm kích F-16 càng sớm càng tốt bởi cho rằng đây là khí tài quan trọng nhằm đối phó ưu thế của không quân Nga và có thể thay đổi cục diện chiến trường trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, phía Washington lại mô tả F-16 là công cụ quan trọng với quá trình biến đổi quân đội Ukraine thành lực lượng có khả năng răn đe Moscow trong tương lai. Họ tin rằng tiêm kích này sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược quốc phòng dài hạn của Ukraine, nên không thể chuyển giao một cách vội vã.
Phương Uyên (T/h)