Kyiv Independent đưa tin, ngày 14/8, Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ trị giá 200 triệu USD dành cho Ukraine. Đây cũng là gói viện trợ quân sự thứ 44 mà Washington gửi đến Kiev kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái.
"Hệ thống phòng không, chống thiết giáp và đạn dược sẽ giúp lực lượng vũ trang Ukraine chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và người dân của đất nước họ", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken viết trên Twitter .
Mỹ công bố gói viện trợ thứ 44 dành cho Ukraine. Ảnh: U.S Air Force
Qua gói viện trợ quân sự mới, Ukriane sẽ nhận được những loại đạn dược “quan trọng” cho hệ thống phòng không Patriot và hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất, đạn xe tăng 120mm, tên lửa chống tăng TOW và Javelin cùng các loại vũ khí và hệ thống chống tăng khác.
Lầu Năm Góc cũng cam kết cung cấp thêm 37 phương tiện hậu cần, 58 xe bồn dùng để vận chuyển nước, hơn 12 triệu viên đạn dành cho vũ khí nhỏ và lựu đạn, thiết bị rà phá bom mìn, chất nổ để dọn chướng ngại vật, phụ tùng thay thế và các thiết bị dã chiến khác.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo hôm 8/8 rằng bên cạnh gói viện trợ trên, Mỹ cũng đang xem xét việc chuyển giao các tên lửa và hệ thống phòng thủ mới cho Ukraine.
Theo thông tin quân sự mới nhất từ hãng tin RT, gói viện trợ quân sự mới được Mỹ đưa ra trong bối cảnh các lực lượng Ukraine đang dồn lực chọc thủng tuyến phòng thủ nhiều lớp được dựng trên chiến tuyến dài 1.000 km của Nga.
Ngày 13/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov cho biết các bãi mìn lớn của Nga là một "trở ngại nghiêm trọng" đối với chiến dịch phản công của nước này. Ông Reznikov nhấn mạnh rằng Ukraine hiện đang thiếu nhiều nguồn lực ở các mặt trận đồng thời tiếp tục kêu gọi các quốc gia phương Tây “mở rộng và đẩy nhanh” việc đào tạo đặc công cũng như chuyển giao thiết bị rà phá bom mìn.
Hé lộ nội dung thư tín Tổng thống Nga và Chủ tịch Triều Tiên gửi cho nhau
Sau cuộc họp của 54 quốc gia ủng hộ Ukraine được tổ chức vào tháng 7/2022, một số thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu đã đồng ý giúp đào tạo và trang bị cho các đội kỹ thuật mới của Kiev.
Tuy nhiên, vào thời điểm trên, ông Reznikov khẳng định chắc chắn Ukraine sẽ cần thêm sự hỗ trợ. Đến nay, Kiev đã nhận tổng cộng 43 tỷ USD viện trợ chỉ tính từ Washington (chưa bao gồm viện trợ riêng theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine của Lầu Năm Góc)
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần lên án việc phương Tây và Mỹ liên tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Phía chính quyền Tổng thống Vlaldimir Putin cho rằng những vũ khí này sẽ chỉ kéo dài và làm tăng nguy cơ gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Phương Uyên (Theo RT và Kyiv Independent)