Nổ bom chùm ở Mykolaiv, ít nhất 5 người thiệt mạng
Thống đốc thành phố Mykolaiv Vitaliy Kim cho biết ngày 15/4 (giờ địa phương), 5 người dân đã thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong vụ các vụ nổ bom chùm ở thành phố miền Nam Ukraine.
Theo ông Kim, trước khi thiệt mạng, một trong số các nạn nhân đã nhặt được một quả đạn pháo chưa nổ. Do đó, ông đã cảnh báo người dân Mykolaiv không nhặt bất cứ vật lạ gì trên đường. Ông nói: "Tôi xin nhắc lại một lần nữa. Không được chạm vào bất kỳ vật lạ nào, chúng có thể gây ra thương vong".
CNN không thể xác minh độc lập các tuyên bố của thống đốc, tuy nhiên, Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên hợp quốc tại Ukraine trước đó cho biết họ đã nhận được những thông tin đáng tin cậy rằng các lực lượng vũ trang Nga đã sử dụng bom, đạn chùm trong các khu vực đông dân cư ở Ukraine.
Sân bay quốc tế Mykolaiv của Ukraine bị phá hủy sau trận pháo kích ngày 8/4. Ảnh: Reuters
Tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch (HRW) cũng đã xác nhận việc Nga sử dụng bom, đạn chùm trong suốt cuộc xung đột. Báo cáo của HRW nêu: "Bom, việc cách rải rác một cách ngẫu nhiên các loại bom, đạn con hoặc bom trên một khu vực rộng lớn đã gây ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với người dân bình thường. Theo HRW, chúng tiếp tục gây ra mối đe dọa sau xung đột vì để lại tàn tích, bao gồm cả bom, đạn con không thể phát nổ khi va chạm trở thành bom mìn trên thực tế".
Hiện Nga chưa lên tiếng về cáo buộc này. Tuy nhiên, từ khi tổ chức chién dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moscow đã nhiều lần khẳng định họ chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quân sự và không làm hại tới người dân bình thường.
Các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra vùng Donetsk, Luhansk và Kharkiv
Các quan chức Ukraine hôm 15/4 cho biết các cuộc không kích của Nga vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp các khu vực Donetsk, Luhansk và Kharkiv ở miền Đông Ukraine, đồng thời cảnh báo về một cuộc tấn công lớn hơn của Nga trong những ngày tới.
Ông Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk, nhận xét tình hình trong khu vực đang "trở nên căng thẳng hơn". Ông nói: "Các cuộc pháo kích, không kích đã gia tăng. Kể từ ngày hôm qua (14/4), ở phía Bắc vùng Donetsk, biên giới với vùng Kharkiv, đã có những nỗ lực mới".
Nhưng ông nói thêm rằng các cuộc tấn công đã bị đẩy lùi.
CNN hiện không thể xác minh ngay tình hình chiến sự ở khu vực đó.
Trong khi đó, ôngOleh Syniehubov, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kharkiv, cũng đã báo cáo các cuộc pháo kích vào các khu dân cư của Kharkiv. Ông cho biết ít nhất 34 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em, và 7 người đã thiệt mạng, trong đó có một em bé 7 tháng tuổi.
Cư dân trú ẩn trong tầng hầm của một tòa nhà dân cư để tránh các cuộc pháo kích. Ảnh: CNN
Ông Serhii Haidai, người đứng đầu cơ quan quân sự khu vực Luhansk, thì thông tin các cuộc pháo kích vào thành phố Severodonetsk đã làm hư hỏng hệ thống cấp nước và phá hủy hai kho lương thực.
Ông Haidai nói: "Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng một cách thô bạo".
Đồng thời, ông cho biết thêm rằng hỏa lực của Nga đã tấn công các thị trấn Rubizhne và Kreminna cũng như Severodonetsk.
Nga bình luận về khả năng Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO
Ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo Phần Lan và Thuỵ Điển nếu 2 nước này quyết định nộp đơn gia nhập NATO.
Được biết, Thụy Điển và Phần Lan từ lâu đã thân thiết với NATO nhưng đã duy trì tình trạng trung lập với Nga và không tham gia liên minh quân sự này. Tuy nhiên, hai nước này được cho là có thể sẽ sớm xin gia nhập NATO trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh đang diễn ra ở Ukraine. Lên tiếng về việc này, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng Thụy Điển và Phần Lan sẽ không đạt được gì nếu thực hiện kế hoạch này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định NATO "không có khả năng giúp xây dựng uy tín quốc tế của Thụy Điển và Phần Lan". Bà cho biết hai quốc gia sẽ mất cơ hội đóng vai trò là "người chuyển tải nhiều sáng kiến mang tính xây dựng, thống nhất" như họ đã làm trong quá khứ.
Bà nói thêm: "Đương nhiên sự lựa chọn thuộc về các nhà chức trách Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng họ nên nhận ra hậu quả của một động thái như vậy đối với quan hệ song phương của chúng ta và cấu trúc an ninh châu Âu, hiện đang trong tình trạng khủng hoảng".
Bà Zakhrova lập luận rằng Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ trở thành nền tảng được NATO sử dụng để đe dọa Nga và cả họ cũng như khu vực Bắc Âu nói chung đều không được hưởng lợi từ điều đó. Bà nhấn mạnh tư cách thành viên NATO "trên thực tế có nghĩa là từ bỏ một phần chủ quyền trong việc đưa ra các quyết định về quốc phòng và cả về chính sách đối ngoại".
Trong khi đó, ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, đã ngụ ý vào đầu tuần này rằng, nếu hai quốc gia gia nhập khối xuyên Đại Tây Dương, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở khu vực Baltic.
Minh Hạnh (Theo CNN, RT)