Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức Ukraine mới nhất ngày 14/12: Tướng Anh thừa nhận thủy quân lục chiến Hoàng gia hoạt động bí mật ở Ukraine

(DS&PL) -

Tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 14/12/2022. Cập nhật tin tức tình hình Ukraine mới nhất ngày 14/12/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tướng Anh thừa nhận thủy quân lục chiến Hoàng gia hoạt động bí mật ở Ukraine

Theo đài RT, Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã tiến hành các hoạt động có rủi ro cao ở Ukraine vào tháng 4. Trung tướng Robert Magowan viết thông tin này trong tạp chí chính thức của lực lượng.

Trước khi ông Magowan thừa nhận như vậy, những tuyên bố của Nga rằng quân đội NATO đang hoạt động ở Ukraine đã bị các nhà phân tích và truyền thông phương Tây bác bỏ.

Các thành viên của Nhóm biệt kích số 45 thuộc Thủy quân lục chiến Hoàng gia đã rời Ukraine vào tháng 1 sau khi sơ tán Đại sứ quán Anh ở Kiev đến Ba Lan. Tuy nhiên, khoảng 300 thành viên của đơn vị tinh nhuệ này đã quay trở lại Ukraine ước vào tháng 4 để tái lập phái bộ của Anh ở Kiev, trước khi tiếp tục tiến hành “các hoạt động kín đáo khác”, tờ Times dẫn thông tin từ bài viết của tướng Magowan trong tạp chí của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh.

Đơn vị Biệt kích số 45 của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh trong quá trình huấn luyện trong rừng ở Ghana, ngày 5/10/2013. Ảnh: RT

Các hoạt động này diễn ra “trong một môi trường cực kỳ nhạy cảm và có mức độ rủi ro chính trị và quân sự cao”, theo ông Magowan, người từng là chỉ huy của Thủy quân lục chiến Hoàng gia và hiện là Phó Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh.

Mặc dù tướng Magowan không nói chi tiết về loại sứ mạng mà các biệt kích đã thực hiện, nhưng tuyên bố của ông đánh dấu lần đầu tiên Anh thừa nhận quân đội của mình đã tiến hành các hoạt động đặc biệt ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh từ chối xác nhận các thông tin trước đó về việc lực lượng đặc biệt của Anh huấn luyện quân đội Ukraine tại Kiev vào tháng 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc xung đột giữa Nga và “toàn bộ bộ máy quân sự phương Tây”, đồng thời tuyên bố vào tháng 9 rằng toàn bộ các đơn vị quân đội ở Ukraine được đặt “dưới sự chỉ huy trên thực tế của các cố vấn phương Tây”.

Những phát biểu của ông Putin đã bị các phương tiện truyền thông phương Tây bác bỏ. "Không có bằng chứng lực lượng mặt đất của NATO tham gia vào Ukraine", ông Edward Arnold thuộc Viện Các lực lượng Thống nhất Hoàng gia chia sẻ với BBC vào thời điểm đó.

Ông Arnold nói thêm: "Các chỉ huy NATO cũng không chỉ đạo các đơn vị Ukraine trên chiến trường. Khả năng điều này xảy ra trong tương lai cũng rất thấp khi NATO tìm cách giảm thiểu rủi ro leo thang."

Được biết, Anh không phải là quốc gia NATO duy nhất thừa nhận sự hiện diện của các lực lượng trong nước họ ở Ukraine. Một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc nói với các phóng viên vào tháng 10 rằng một số lượng quân đội Mỹ không xác định đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các lô hàng vũ khí của Mỹ ở đâu đó bên trong Ukraine.

Mỹ có thể sắp gửi tên lửa Patriot cho Ukraine

Ba quan chức Mỹ cho biết Washington đang hoàn thiện kế hoạch để gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine. Quyết định có thể được công bố trong tuần này.

Hai trong số các quan chức, nói với điều kiện giấu tên, cho biết thông báo về việc này có thể được đưa ra sớm nhất là vào ngày 15/12. Tuy nhiên, nó đang chờ sự chấp thuận chính thức từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Joe Biden, Reuters đưa tin.

Alexander Vindman, một trung tá quân đội đã nghỉ hưu, từng phụ trách chính sách Ukraine tại Nhà Trắng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết: “Điều này rất có ý nghĩa”.

Ukraine đã yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp hệ thống phòng không, bao gồm các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, để phòng vệ. Các hệ thống phòng không như Patriot của Raytheon Technology Corp (Mỹ) được chế tạo để đánh chặn các tên lửa đang bay tới.

Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ và thường bị thiếu nguồn cung, khi các đồng minh trên thế giới đều muốn sở hữu.

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về các thông tin liên quan đến hệ thống Patriot tại một cuộc họp báo.

Trong khi đó, giới chức Ukraine vẫn chưa bình luận về thông tin này. Trước đó, Kyiv đã tổ chức các cuộc đàm phán quân sự cấp cao vào hôm 13/12 với Washington, văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết.

Một trong các quan chức cho biết lực lượng Ukraine có thể sẽ được huấn luyện ở Đức trước khi tên lửa Patriot được gửi đến Ukraine. Theo ông Vindman, quá trình đào tạo có thể kéo dài vài tháng.

Reuters cho biết vẫn chưa có thông tin liên quan đến phiên bản của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, tầm bắn hay số lượng được cung cấp.

Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng các hệ thống Patriot sẽ trở thành mục tiêu chính đáng của quân đội Moscow trong trường hợp chúng được cung cấp cho Kyiv, TASS đưa tin.

Kể từ khi “chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine bắt đầu, Mỹ đã cung cấp cho Kyiv khoản viện trợ quân sự trị giá 19,3 tỷ USD.

Trong khi đó, Ukraine đang tiếp tục kêu gọi các nước đồng minh viện trợ tên lửa Patriot và các vũ khí phòng không khác để bảo vệ cơ sở hạ tầng trước các cuộc không kích.

Minh Hạnh (T/h) 

Tin nổi bật