Nga yêu cầu Pháp, Đức bồi thường cho vùng Donbass
Chủ tịch Duma Nga Vyacheslav Volodin vào hôm 10/12 yêu cầu Pháp, Đức bồi thường cho vùng Donbass sau lời thừa nhận của bà Angela Merkel về mục đích thực sự của thỏa thuận Minsk.
"Tuyên bố của bà cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel có nghĩa rằng Pháp và Đức phải chịu một phần trách nhiệm về những gì đang diễn ra tại Ukraine. 2 quốc gia này sẽ phải bồi thường cho cư dân của vùng Donbass, những người đã phải chịu đựng cuộc xung đột kéo dài 8 năm với nhiều thiệt hại về người và của", Chủ tịch Duma (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin bày tỏ, theo Tass.
Chủ tịch Duma Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Tass.
Chủ tịch Duma Nga Volodin đưa ra yêu cầu trên sau tuyên bố vào hôm 7/12 của cựu Thủ tướng Đức Merkel rằng các thỏa thuận hòa bình Minsk và Minsk II được 4 quốc gia Pháp, Đức, Ukraine và Nga ký kết vào năm 2014 và 2015 có mục đích kéo dài thời gian nhằm giúp Ukraine xây dựng năng lực quốc phòng.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Zeit, cựu Thủ tướng Merkel cho biết Ukraine đã dùng khoảng thời gian thỏa thuận hòa bình Minsk có hiệu lực để trở nên mạnh mẽ hơn.
"Ukraine vào những năm 2014 và 2015 không có tiềm lực lớn như thời điểm hiện tại. Mọi người đều biết rằng các thỏa thuận Minsk chỉ có tác dụng tạm dừng tình hình xung đột tại Ukraine do không có vấn đề nào được giải quyết trong nội dung của những văn kiện này", cựu Thủ tướng Merkel cho biết.
Bà Merkel nhận định nếu cuộc xung đột diễn ra vào năm 2014, Ukraine sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như ở thời điểm hiện tại.
Tình hình xung đột tại Ukraine trong thời gian gần đây vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Theo Reuters, trong khi các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine được đẩy mạnh, các thành viên thuộc NATO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ về vũ khí và tài chính cho quốc gia này.
Chính quyền thân Nga ở Kherson tuyên bố bỏ đồng tiền Ukraine
Andrei Peretonkin, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trung ương Nga tại tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine, ngày 10/12 tuyên bố các ngân hàng trong khu vực quân đội Nga kiểm soát bắt đầu hỗ trợ người dân đổi đồng hryvnia của Ukraine sang ruble của Nga từ tuần này.
Theo ông Peretonkin, chương trình nhằm "đảm bảo thuận tiện cho người dân và tạo điều kiện cho tỉnh hòa nhập suôn sẻ hơn vào không gian kinh tế Nga".
Quan chức thân Moscow cho biết đồng hryvnia dự kiến dừng lưu hành trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2023. Chính quyền do Nga lập tại Kherson từng thông báo người dân có thể sử dụng song song cả hryvnia và ruble.
Các quan chức thân Nga ở Kherson hồi tháng 5 thông báo ruble là đơn vị tiền tệ chính thức trong vùng, cùng với hryvnia. Tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền khi đó được ấn định là 2 ruble đổi 1 hryvnia. Đến tháng 9, tỷ giá được điều chỉnh thành 1,5 ruble đổi 1,25 hryvnia.
Nga kiểm soát phần lớn diện tích tỉnh Kherson trong giai đoạn đầu chiến sự. Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập Kherson vào đầu tháng 10, dựa trên kết quả cuộc trưng cầu dân ý do giới chức thân Nga phối hợp cùng quân đội Nga triển khai trước đó.
Kiev cùng phương Tây không chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý. Các bên cùng Liên Hợp Quốc sau đó đồng loạt lên án động thái sáp nhập các phần lãnh thổ Ukraine vào Nga.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng các thỏa thuận sáp nhập giữa Moskva với 4 chính quyền thân Nga ở Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia không có giá trị và Kiev sẽ không từ bỏ quyết tâm giành lại lãnh thổ.
Quân đội Nga rút khỏi thành phố Kherson vào giữa tháng 11 dưới sức ép phản công và bao vây từ quân đội Ukraine. Tuy nhiên, phần lớn diện tích tỉnh nằm giữa sông Dnieper và bán đảo Crimea vẫn do Nga kiểm soát.
Minh Hạnh (T/h)