Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 9/5/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 9/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Sẽ xử lý nghiêm vụ Giám đốc sở Y tế Đắk Nông tuyển con khi chưa có bằng
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc sở Y tế Đắk Nông. Ảnh: Dân Trí |
Liên quan đến những sai phạm của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc sở Y tế Đắk Nông gây xôn xao dư luận, sáng ngày 8/5, trao đổi với báo Đất Việt, ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, việc xử lý những sai phạm của bà Hương thuộc thẩm quyền của UBKT Tỉnh ủy.
"UBKT Tỉnh ủy đã có kết luận liên quan đến những sai phạm của bà Hương rồi, giờ chỉ còn thực hiện theo kết luận đó thôi. Việc này thuộc thẩm quyền của UBKT Tỉnh ủy. Quan điểm của tỉnh là phải xử lý nghiêm, không bao che, việc này Trung ương cũng đã có chỉ đạo rồi", ông Diễn thông tin.
Trước đó, theo kết luận UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông, với cương vị là Giám đốc sở Y tế, bà Nguyễn Thị Thanh Hương trong quá trình lãnh đạo, điều hành sở Y tế đã có những khuyết điểm, sai phạm như: Chỉ đạo sở Y tế để kéo dài thời gian bổ sung các văn bằng, chứng chỉ để con mình có cơ hội đậu viên chức năm 2019 trái quy định.
Giám đốc sở Y tế đồng ý cho Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp ký hợp đồng lao động có thời hạn đối với 11 trường hợp (trong đó có con ruột), trong khi đơn vị chưa tiến hành sắp xếp lại tổ chức theo quy định.
Ngoài ra, bà Hương còn dính hàng loạt sai phạm khác như ký quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) với quy trình, thủ tục thực hiện không đúng hướng dẫn của ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông.
Việc con trai của bà Hương đậu viên chức sau 3 ngày được điều từ huyện lên thành phố để công tác là không minh bạch, dân chủ, khách quan, ưu ái cho người nhà.
Những vi phạm này của giám đốc sở Y tế Đắk Nông được UBND Tỉnh ủy Đắk Nông kết luận là “Không thực hiện tốt quy định (số 101 -QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương đảng) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, nhiều cán bộ tỉnh Đắk Nông cho rằng những vi phạm của Giám đốc sở Y tế Đắk Nông cần phải được nhìn nhận nghiêm túc, xử lý nghiêm để làm gương.
Nghệ An: Nam công nhân bị điện giật tử vong
Ngày 8/5, lãnh đạo xã Hưng Đông, TP.Vinh, Nghệ An cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến một người tử vong.
Nạn nhân được xác định là anh Ng.B.S (SN 1981, trú tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) là nhân viên điện lực TP.Vinh, Nghệ An.
Trước đó, vào sáng ngày 7/5 anh S. cùng một nhóm công nhân leo lên một cột điện thuộc Trạm biến áp ở đường Đặng Thai Mai, xã Hưng Đông, TP.Vinh để thay thế một số thiết bị và căng lại dây hạ thế.
Tuy nhiên trong quá trình làm việc, anh S. không may bị điện giật ngất đi và bị treo trên cột điện.
Khi phát hiện vụ tai nạn, nhóm công nhân làm cùng đã hô hoán người dân đưa nạn nhân xuống mặt đất, sơ cứu, sau đó chuyển ngay đến bệnh viện ở Nghệ An để cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Nga - Giám đốc Điện lực TP.Vinh xác nhận sự việc và cho biết: Công nhân của đơn vị vừa bị tai nạn điện giật và tử vong. Hiện công an đang tiến hành điều tra.
Ông Nga cho biết, quá trình tiến hành sửa chữa được thực hiện theo kế hoạch. Trước khi công nhân làm việc đã tiến hành cắt điện trên đường đây. Ông Nga cũng đặt nghi vấn việc nam công nhân bị điện giật tử vong có thể do máy phát điện của người dân xông lên đường điện.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo khẩn vụ rác thải từ khu cách ly Hạ Lôi
Rác thải sinh hoạt đổ thành đống dọc đê tả sông Hồng. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp luật |
Liên quan đến vụ rác thải sinh hoạt từ khu cách ly Hạ Lôi tập kết sai quy định, chiều 8/5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết đã khẩn trương chỉ đạo, yêu cầu các lãnh đạo, ban ngành huyện Mê Linh; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Mê Linh xử lý vụ việc, thu gom, vận chuyển số rác sinh hoạt có chứa nhiều túi nilon rác thải lây nhiễm đổ đống chình ình dọc đê tả sông Hồng ra khỏi khu dân cư ngay trong ngày mai.
"Tôi đã yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trưởng xử lý, thời gian chậm nhất là trong ngày mai (9/5)", ông Nguyễn Đức Chung cho hay.
Trước đó, tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật ghi nhận dọc đê tả sông Hồng cách đền Hai Bà Trưng và trụ sở UBND xã Mê Linh khoảng 300m một lượng rác thải lớn bừa bãi, ngổn ngang giữa lòng lề đường do nhân viên công ty Minh Quân tập kết. Điều này khiến nhiều người dân qua lại bức xúc vì ô nhiễm.
Đáng chú ý, những bọc rác này có nguồn gốc từ khu cách ly của 11 xóm thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Số lượng rác thải được tập kết thẳng ra đây để chờ xe thu gom rác đến xử lý.
Quan sát bằng mắt thường cho thấy, những bọc túi nilon màu vàng có ghi “cảnh báo về chất thải có chứa chất gây bệnh” bên trong chứa nhiều rác thải y tế (như khẩu trang y tế,...) lẫn chung với rác thải sinh hoạt. Người dân phản ánh đống rác này đã có từ mấy hôm trước.
Theo quy định của bộ Y tế, rác thải được đựng trong túi nilon màu vàng thường là rác thải lây nhiễm, cần được thu gom riêng.
Trước đó, chiều 6/5, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, ông Tạ Quang Thái cho biết, mặc dù xã đã tuyên truyền và hướng dẫn người dân phân loại rác thải, tuy nhiên do ý thức người dân còn kém nên mới để xảy ra tình trạng như trên.
“Việc rác thải sinh hoạt có lẫn túi rác màu vàng, được quy định là rác thải có nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi sẽ cho người kiểm tra lại và xử lý ngay”, vị lãnh đạo xã cho hay.
Trước đó, ngày 15/4, UBND TP.Hà Nội có Công văn số 1351/UBND-KGVX gửi các sở về việc tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội giao sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm việc thu gom, lưu giữ, xử lý nước thải y tế và chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường và tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ những việc trên.
Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định; không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ và công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị đủ năng lực chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố, bảo đảm kịp thời hằng ngày, đáp ứng nhu cầu.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn công tác bảo đảm môi trường phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện quản lý, xử lý chất thải.
Lấy mẫu thức ăn vụ 133 người nhập viện ở Đà Nẵng để điều tra
Sáng 8/5, lãnh đạo huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc khiến 133 người nhập viện.
Theo đó, tối ngày 7/5 Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tiếp nhận ca cấp cứu đầu tiên nghi ngộ độc thực phẩm. Số lượng bệnh nhân đến khám bắt đầu tăng dần với các triệu chứng đau bụng, đau đầu, tiêu chảy.
Đến 8h30 ngày 8/5, có 133 người nhập viện. Trong đó, chuyển bệnh viện Đà Nẵng 28 người, bệnh viện Sản Nhi 4 người, bệnh viện Hòa Vang 101 người. Hiện nay các bệnh nhân đang được ngành y tế tích cực theo dõi chẩn đoán và điều trị.
Theo người nhà bệnh nhân, tất cả các bệnh nhân trước đó đã mua thực phẩm chay tại chợ Tuý Loan. Sau khi ăn, họ có dấu hiệu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… Người thân đưa đến bệnh viện Hoà Vang, tuy nhiên, do bệnh tình nặng, họ được chuyển đến bệnh viện Đà Nẵng.
Ngay khi có thông tin từ đường dây nóng an toàn thực phẩm, tối cùng ngày, đội Điều tra ngộ độc thực phẩm, thuộc ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp các đơn vị liên quan đã tiếp cận hiện trường trong đêm.
Đến sáng 8/5, Đội đã điều tra, xử lý khoanh vùng và lấy mẫu gửi xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Qua điều tra ban đầu, ban Quản lý An toàn thực phẩm ghi nhận, những người nghi bị ngộ độc thực phẩm là người dân thuộc các xã Hoà Phong, Hoà Nhơn và Hoà Khương. Nguyên nhân nghi ngờ khiến các bệnh nhân nhập viện là thức ăn chay tự chế biến của hộ gia đình.
Nguyên liệu làm những món ăn này chủ yếu được chế biến từ thực vật, mua tập trung chủ yếu một số hộ ở chợ Tuý Loan, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang. Các nguyên liệu mà người dân mua về chế biến món ăn cho gia đình đa số là chả cây, chả đòn, nem, ram và đậu khuôn.
Điều tra nơi bán hàng tại chợ Tuý Loan cho thấy, đậu khuôn, chả đòn, nem là do một số cơ sở nơi khác sản xuất và cung cấp cho hộ kinh doanh tại chợ. Còn lại một số chả cây và ram là do một số hộ kinh doanh tại chợ Tuý Loan tự chế biến và bán cho người dân trong vùng.
Ngay trong đêm 7/5, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng đã phối hợp với các lực lượng liên quan đã tiến hành kiểm tra, khoanh vùng các nơi kinh doanh tại chợ, nơi cung cấp thực phẩm nghi ngờ nêu trên.
Đồng thời lấy 18 mẫu tại các gia đình và nơi cung cấp nguyên liệu để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Bạch Hiền (t/h)