Nữ sinh lớp 7 bị vây đánh hội đồng vì mâu thuẫn cá nhân
Em T. bị đánh hội đồng. Ảnh: Thanh Niên
Ngày 27/5, phòng GD&ĐT huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã nhận được báo cáo ban đầu về việc nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng của trường Tiều học & Trung học cơ sở Cam Hiếu.
Trước đó, trưa ngày 26/5, trường TH&THCS Cam Hiếu nhận được thông tin một nhóm học sinh đánh hội đồng, có clip lan truyền trên mạng xã hội. Ngay sau đó lãnh đạo nhà trường và công an địa phương đã đến gia đình nữ sinh bị đánh là em N.T.A.T. (học sinh lớp 7B, trường TH&THCS Cam Hiếu) để tìm hiểu sự việc.
Thông tin ban đầu, giữa em T. và một nữ sinh tên T.T.H (cùng lớp) có xích mích chuyện cá nhân.
Vào 15h 25/5, hai em đã hẹn gặp nhau ở chân cầu Trắng (xã Cam Hiếu) để nói chuyện. Nữ sinh H. gọi thêm các bạn ở xã Cam Hiếu và TP.Đông Hà đến cùng đánh em T. Tại đây, 11 học sinh (từ lớp 7 đến lớp 9, bao gồm cả H.) lao vào đánh hội đồng T. Bên ngoài một số học sinh khác đứng xem, cổ vũ và quay lại clip.
Trường TH&THCS Cam Hiếu đã yêu cầu các học sinh viết tường trình, báo cáo, trình bày trước thầy cô và phụ huynh. Các học sinh đã xin lỗi em T. cùng gia đình.
Trước sự việc, phòng GD&ĐT huyện Cam Lộ đã yêu cầu trường TH&THCS Cam Hiếu xác minh rõ vụ việc và có biện pháp xử lý những học sinh tham gia đánh hội đồng.
Được biết, sau khi bị đánh, em T. không bị thương tích, tinh thần ổn định. Đến nay, vẫn chưa xác định được người tung clip đánh hội đồng nữ sinh lên mạng xã hội.
Tiền Giang: Bị la rầy vì đi chơi, bé gái 13 tuổi uống thuốc sâu tự tử
Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM vừa cấp cứu một bé gái 13 tuổi ở Tiền Giang do uống thuốc trừ sâu tự tử.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, do bị ba la rầy vì đi chơi với bạn, không lo học hành nên bé gái uống khoảng 30ml dung dịch thuốc trừ sâu Kinagold 23EC - Thuốc trừ sâu cho cây trồng, hoạt chất: Quinalphos, Cypermethrin.
Sau uống, bé than mệt, tiết nhiều đàm dãi, khó thở. Sau khi phát hiện, người nhà đã đưa bé gái đến bệnh viện địa phương, đặt nội khí quản giúp thở, rửa dạ dày, cho uống than hoạt để hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa, tiêm atropine. Sau đó, bé được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
Tại bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bé được rửa dạ dày lần hai và tiếp tục cho uống than hoạt, tiêm atropine, truyền pralidoxime giải độc, truyền dịch dinh dưỡng và được theo dõi sát mạch, huyết áp, đồng tử, ran phổi, da niêm, làm xét nghiệm theo dõi chức năng gan, thận và men acetyl cholinesterase...
Hiện bệnh nhi đã được chuyển khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị.
Có 36 trường hợp nghi mắc COVID-19 liên quan nhóm tôn giáo ở TP.HCM
Phong tỏa con hẻm liên quan chuỗi lây nhiễm COVID-19. Ảnh: VietNamNet
Chiều 27/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong số 36 bệnh nhân của ổ dịch liên quan tới Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ sinh hoạt tại 415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, 29 người là hội viên, 7 trường hợp là F1 (4 người làm việc chung tòa nhà tại quận Phú Nhuận và 3 bệnh nhân tiếp xúc gần ở nơi cư trú).
Theo HCDC, 19 trường hợp ghi nhận triệu chứng với tỷ lệ 53%. Các ca bệnh có triệu chứng khởi phát sớm nhất bắt đầu từ ngày 13/5. 4 trường hợp không có triệu chứng, 13 trường hợp không rõ triệu chứng.
Số ca mắc trong Hội thánh truyền giáo là 29/38 người, chiếm 3/4 số hội viên, chỉ số xét nghiệm cho thấy đang trong giai đoạn bệnh diễn tiến.
Các quận, huyện có liên quan ổ dịch này là TP.Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12.
Các chỉ số xét nghiệm cho thấy những người này đang ở giai đoạn diễn tiến của bệnh. Vì vậy, những hội viên dù có kết quả âm tính vẫn được xem là ca nghi ngờ. Bởi họ có khả năng đang nhiễm bệnh hoặc đã khỏi bệnh.
Hiện hệ thống phòng chống dịch thành phố đang triển khai thực hiện truy vết nhanh, mở rộng bao vây để cắt đứt chuỗi lây nhiễm này đồng thời điều tra nguồn lây nhiễm.
Trước đó, tối ngày 26/5, TP.HCM ghi nhận 3 trường hợp đầu tiên của nhóm tôn giáo dương tính với SARS-CoV-2.
TP đã tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca nghi nhiễm, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan. 10 địa điểm đang được phong tỏa để xử lý dịch gồm Hóc Môn (6 điểm), Tân Phú (1), Gò Vấp (1), quận 12 (1), Phú Nhuận (1).
Đánh giá sơ bộ, cơ quan chức năng cho thấy đây là một chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến, phát hiện được nhờ các trường hợp có triệu chứng đi khám tại cơ sở y tế. Mầm bệnh có thể đã lây lan trong cộng đồng nên người dân cần nâng cao cảnh giác, tự giác khai báo y tế, nhất là những người có sinh hoạt hoặc liên hệ với Hội thánh truyền giáo.
Vì vậy, HCDC khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tự giác khai báo y tế, nhất là có sinh hoạt hoặc liên quan nhóm tôn giáo, chưa được chính quyền hoặc cơ quan y tế liên hệ.
Khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp, người dân cần đi khám tại các bệnh viện. Lưu ý cần trung thực trong khai báo y tế để được phân luồng phù hợp, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bệnh viện.
Bệnh nhân COVID-19 thứ 46 tử vong là nam, 81 tuổi
Chiều 27/5, bộ Y tế vừa thông báo ca tử vong thứ 46 có liên quan đến COVID-19.
Theo đó, bệnh nhân tử vong là BN3881 (nam, 81 tuổi), có tiền sử tai nạn giao thông gãy xương sườn, xương đòn 4 năm trước, áp-xe gan 2 năm trước, sống trong vùng dịch COVID-19.
Ngày 5/5, bệnh nhân sốt nhẹ, đau mỏi người, ho ít. Vào bệnh viện huyện điều trị 4 ngày với chẩn đoán viêm phổi. Xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 âm tính, được cho về nhà dùng thuốc theo đơn và cách ly tại nhà.
Ngày 11/5, bệnh nhân sốt cao, ho nhiều. Ngày 14/5, bệnh nhân xuất hiện biểu hiện khó thở, vào Trung tâm y tế huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) làm test nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính và được chuyển bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Bệnh nhân xuất hiện biểu hiện suy hô hấp, huyết áp giảm, được đặt ống nội khí quản thở máy, dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp.
Ngày 15/5, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, chẩn đoán vào viện: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực: an thần thở máy, thuốc vận mạch, lọc máu liên tục, phối hợp kháng sinh phổ rộng, corticoid, điều trị chống đông, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân không cải thiện, chức năng phổi ngày càng xấu hơn.
Ngày 21/5, bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn bộ Y tế hội chẩn xác định bệnh nhân tình trạng rất nặng, nhiễm trùng chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Tuy được điều trị hồi sức tích cực tối đa và chăm sóc toàn diện, nhưng tình trạng bệnh nhân không đáp ứng điều trị, diễn biến xấu dần.
Bệnh nhân tử vong vào hồi 22h31 ngày 26/5/202.
Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân cao tuổi.
Bạch Hiền (t/h)