Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 22/5: Chi 12.100 tỷ đồng ngân sách mua vaccine ngừa COVID-19

(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/5/2021. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 22/5/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Dự chi 12.100 tỷ đồng ngân sách để mua vaccine ngừa COVID-19

Dự chi 12.100 tỷ đồng để mua vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine ngừa COVID-19.

Theo Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua sắm vaccine phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Trước đó, tại phiên họp 55 ngày 27/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc nội dung nói trên, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Theo thông tin từ bộ Tài chính, đến hết tháng 1/2021, dự toán kinh phí ngân sách trung ương năm 2020 vẫn còn 64.760 tỷ đồng chưa sử dụng (không gồm các khoản đã được chuyển nguồn sang năm 2021).

Vì thế, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ dùng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020, trong đó đề nghị được dùng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine ngừa COVID-19.

Nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược tiêm vaccine của Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Hiện nay với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 75 triệu người, bộ Tài chính ước tình cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Theo thông tin từ bộ Y tế, tính đến hết 20/5, tổng cộng 1.021.085 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 liều là 28.821 người.

Lập đoàn kiểm tra toàn diện bệnh viện Bạch Mai

Quyết định số 2441/QĐ-BYT về việc thành lập đoàn kiểm tra của bộ Y tế để kiểm tra toàn diện bệnh viện Bạch Mai được Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ngày 17/5.

Theo quyết định này, đoàn kiểm tra toàn diện bệnh viện Bạch Mai của bộ Y tế gồm 21 người. Trưởng đoàn là Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra toàn diện bệnh viện Bạch Mai, đánh giá về việc thực hiện Đề án thí điểm tự chủ tại bệnh viện Bạch Mai theo Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và việc chấp hành các Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng bộ Y tế và công văn chỉ đạo của bộ Y tế đối với bệnh viện Bạch Mai trong thời gian qua.

Bộ trưởng bộ Y tế yêu cầu đoàn kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra ở bệnh viện Bạch Mai, đánh giá kết quả và báo cáo Ban Cán sự Đảng bộ Y tế trước ngày 15/6.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, quy mô vào loại lớn nhất cả nước, là cơ sở y tế đầu ngành về hồi sức cấp cứu, chống độc, thần kinh, điều trị đột quỵ, can thiệp tim mạch...

Thời gian qua đã xảy ra nhiều lùm xùm tại bệnh viện này, trong đó có việc nguyên giám đốc và nguyên phó giám đốc bệnh viện bị bắt để điều tra việc nâng khống giá thiết bị y tế. Theo kết luận điều tra, việc nâng giá thiết bị đã móc túi của người bệnh 10 tỷ đồng.

Gần đây, từ cuối tháng 4 vừa qua, dư luận lại ồn ào việc trên 220 y bác sĩ, người lao động của bệnh viện xin/bị nghỉ việc trong thời gian ngắn...

Quán ăn vỉa hè tại TP.HCM dừng bán tại chỗ

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP. Ảnh: Công an TP.HCM

Sáng ngày 21/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 của thành phố.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo, cũng như góp ý của đại diện các quận huyện và TP.Thủ Đức , Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kết luận, hoan nghênh tinh thần vào cuộc truy vết quyết liệt của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các đơn vị liên quan khi chỉ trong thời gian ngắn đã xác định được nguồn lây, truy vết và xét nghiệm được số lượng rất lớn mẫu.

Ông Phong nhận định nguy cơ vẫn luôn thường trực, cần bình tĩnh xử lý, tập trung cao độ từng ngày, từng phút, từng giờ, không được lơ là, chủ quan.

Ông Phong đề nghị các quận huyện, TP.Thủ Đức cần xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách, khẩn cấp và trọng tâm nhất hiện nay. Tất cả mọi người cùng hành động vì sức khoẻ người dân Thành phố, kiểm soát chặt 6 nhóm nguy cơ có thể bùng phát dịch.

Ông Phong đề nghị cán bộ công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu, vận động người thân, gia đình và hàng xóm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng dịch.

TP.HCM thống nhất tạm dừng hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo tập trung từ 20 người trở lên. Các hoạt động hội họp trên 30 người phải dừng hoạt động. TP.HCM yêu cầu không tập trung quá 20 người bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách 2m giữa 2 người tại nơi công cộng. Các đội tuần tra giám sát ở các phường, xã, thị trấn tăng cường tuần tra, giải tán đám đông trên 20 người. Các công viên và phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) chú ý giãn cách, hạn chế tập trung đông người.

Đặc biệt, đối với quán ăn uống nhỏ ven đường, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong thống nhất cho bán mang về nhà chứ không ăn uống tại chỗ. Nếu đơn vị nào vi phạm thì phạt nguội thông qua camera, khi bán mang về nhà, thì người mang về phải đeo khẩu trang.

Riêng nhà hàng ăn uống có trên 10 lao động, kể cả nhà hàng khách sạn thì vẫn theo nguyên tắc tập trung không quá 20 người một phòng và phải ngồi giãn cách.

Xe taxi truyền thống và xe taxi công nghệ phải mở cửa sổ thông thoáng khi phục vụ hành khách.

Thời gian áp dụng từ 18h thứ Sáu (21/5) cho tới khi có thông báo mới.

Đà Nẵng: Hai phụ nữ đăng tải thông tin sai sự thật về khu cách ly để kêu gọi từ thiện

Ngày 21/5, công an quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp về hành vi lan truyền thông tin sai sự thật về người dân cách ly y tế.

Căn cứ theo điểm a, khoản 3, Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, công an quận Liên Chiểu đã xử phạt hành chính mỗi trường hợp 12 ,5 triệu đồng về hành vi Đưa thông tin sai sự thật xúc phạm uy tín của tổ chức.

Trước đó, ngày 20/5, bà N.T.T.L. (56 tuổi, trú phường Hải Châu II, quận Hải Châu) đã đăng tải một bài viết kêu gọi mọi người góp tiền từ thiện cho người dân đang cách ly y tế tại khu vực chung cư Kinh Dương Vương (thuộc địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) lên mạng xã hội.

Trong bài đăng của bà L. có đoạn: "Tối hôm qua, khi tiếp tế tại khu vực Hòa Minh, bà con ra gặp và kêu cứu. Đây là khu chung cư nghèo, đói rã ruột mấy ngày ni rồi. Cô có gì tiếp tế cho tụi con với, tụi con hết chịu nổi rồi".

Công an quận Liên Chiểu cho biết bà L. muốn quyên góp được tiền nên đăng bài không đúng, sử dụng ngôn từ phóng đại, khiến nhiều người hiểu sai về tình hình người dân tại các điểm cách ly y tế.

Bài viết được đăng tải lên một nhóm do bà L. quản trị viên với hơn 1.000 người theo dõi, ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm và chia sẻ của nhiều người.

Trong đó, bà N.T.M.H. (45 tuổi, ngụ phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) là thành viên của nhóm hội trên cũng không tìm hiểu tính xác thực của thông tin và chia sẻ nội dung này lên trang facebook cá nhân.

Tại cơ quan công an, 2 người này nhận sai phạm và xóa bỏ bài viết.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật