Kỷ luật Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh
Ông Lê Hồng Minh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Báo Chính phủ
Tại Quyết định 716/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2021, do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Ông Lê Hồng Minh, sinh năm 1967, quê quán xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; trình độ chuyên môn: Kỹ sư xây dựng; trình độ lý luận chính trị: Cử nhân.
Ông Lê Hồng Minh được HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, bầu bổ sung làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, thay ông Bùi Đức Hải (về nghỉ chế độ hưu trí) vào tháng 2/2019. Trước đó, ông Minh giữ chức Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La.
Vào tháng 8/2019, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Sơn La. Theo đó, ông Lê Hồng Minh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 thay ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trước đó đã được giao nhiệm vụ này và đã bị kỷ luật cảnh cáo do những khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác chỉ đạo tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La.
Bắc Giang: Xét nghiệm toàn bộ công nhân công ty Hosiden
Ngày 19/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang đã có công văn hỏa tốc đề các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, xét nghiệm cho công nhân, người lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam.
Cụ thể công văn nêu rõ, hiện nay các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của công nhân, người lao động làm việc tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có tỷ lệ dương tính rất cao, đây là một ổ dịch rất nguy hiểm.
Trước tình hình hết sức cấp bách, nguy hiểm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện ngay các nội dung:
Lập tức tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả công nhân, người lao động của công ty TNHH Hosiden Việt Nam đang cách ly tại nhà và đang cách ly tập trung;
Cách ly nghiêm ngặt khu riêng biệt đối với công nhân, người lao động của công ty này (vì rất có thể họ đều đã nhiễm bệnh);
Truy xét kỹ không được để sót công nhân, người lao động của công ty TNHH Hosiden Việt Nam và các F1, F2, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để nhân dân giám sát.
Trước đó, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện ở tỉnh có 3 ổ dịch, trong đó phức tạp nhất là công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên). Ở công ty đã có 190 F0 (tính từ 14/5), hơn 1.700 F1 và gần 5.000 F2. Cả 4 xưởng của công ty đều có ca bệnh, trong đó xưởng 4 cao nhất.
Từ 17/5, dịch đã xuất hiện tại một số công ty thuộc KCN Đình Trám với 5 bệnh nhân COVID-19, bước đầu xác định liên quan đến F0 ở công ty Hosiden.
Tại Bắc Giang, dự kiến số mẫu xét nghiệm cho công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và người có nguy cơ trong cộng đồng là khoảng trên 300.000 mẫu trong đó có khoảng 30.000 F1, và hơn 200.000 F2. Số trường hợp dương tính cần điều trị khoảng 500 người đến dưới 1.000 người.
Quảng Bình: Trượt chân xuống hồ cá, 3 em nhỏ đuối nước thương tâm
Gia đình tổ chức lễ tang cho nạn nhân. Ảnh: VietNamNet
Sáng ngày 19/5, UBND xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu nhỏ tử vong.
Danh tính nạn nhân được xác định là 2 cháu N.T.P.H. sinh năm 2016; cháu N.V.H. sinh năm 2017 là chị em ruột, đều trú tại xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thủy. Cháu Đ.N.M.Q. sinh năm 2017 trú xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá.
Được biết, do được nghỉ học nên cả 3 cháu về nhà ông ngoại ở thôn Tân Lực, xã Tân Thủy, huyện Lệ Chơi chơi. Chiều ngày 18/5, trong khi ông bà ngoại đều đi vắng, 3 em nhỏ rủ nhau ra hồ cá sau nhà ông ngoại tắm thì không may trượt chân xuống hồ. Vào thời điểm các cháu bị nạn, trong gia đình không có người lớn để ứng cứu kịp thời cho các cháu. Khi mọi người phát hiện sự việc thì cả 3 cháu đều đã tử vong.
Ngay sau tai nạn thương tâm này, chính quyền địa phương cùng người dân đã chung tay giúp đỡ gia đình lo lắng hậu sự cho các cháu.
Vợ chồng cựu Giám đốc Hacinco có thể không lây nhiễm COVID-19 từ Đà Nẵng
Theo thông tin tại cuộc họp giao ban về phòng chống dịch COVID-19 tại TP.Đà Nẵng chiều 19/5, kết quả giải trình gene của 11 mẫu bệnh phẩm có liên quan tới ổ dịch ở Đã Nẵng cho thấy trường hợp vợ chồng cựu giám đốc Hacinco không lây nhiễm COVID-19 từ địa phương này.
Cụ thể, kết quả trình tự gene 11 mẫu đại diện cho các ổ dịch xác định các ca bệnh có liên quan tới Đà Nẵng đều mang chủng virus SARS-CoV-2 của Anh. Trong khi đó, mẫu bệnh phẩm của cựu giám đốc Hacinco lại nhiễm chủng virus của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm 800 trường hợp liên quan đến tất cả các địa điểm liên quan mà 2 vợ chồng ông Thanh từng đi qua, kết quả cho thấy tất cả đều âm tính với SAR-CoV-2.
Qua đó, Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) nhận định: "Dựa trên căn cứ khoa học này, có thể khẳng định vợ chồng du khách người Hà Nội không lây nhiễm COVID-19 từ Đà Nẵng".
ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết phát hiện trên đã giúp gỡ bỏ những hoài nghi, trách nhiệm của Đà Nẵng liên quan đến 2 trường hợp BN3633 và BN3634. Cụ thể, ông Chinh phát biểu: "Quan trọng hơn các đơn vị, địa phương trong cả nước liên quan đến 2 ca bệnh này sẽ có cái nhìn chính xác hơn về bản chất, nguyên nhân của dịch bệnh, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn hơn để kiểm soát, phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả".
Được biết, trong khoảng 24h tính từ 13h ngày 18/5 đến 13h ngày 19/5, TP Đà Nẵng ghi nhận 2 ca nghi mắc COVID-19. Trong đó có 1 ca ngoài cộng đồng là nhân viên y tế trường Tiểu học tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Bạch Hiền (t/h)