Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 2/12/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 2/12/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Thông tin mới nhất vụ du khách bị lũ cuốn ở Lâm Đồng
Tìm thấy thi thể 1 nạn nhân gặp nạn. Ảnh: Infonet |
Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm 2 du khách bị nước lũ cuốn trôi khi đi tham quan tour khám phá vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, lực lượng chức năng đã tìm thấy 1 thi thể dưới sông Đa Nhim.
TTXVN thông tin, thi thể người phụ nữ này được tìm thấy ngay tại vị trí cây cầu treo bị nước lũ cuốn trôi vào chiều 29/11 vừa qua.
Tại hiện trường, nạn nhân bị các vật cứng đè lên người nên mắc kẹt tại chỗ. Danh tính nạn nhân được xác định là Lê Thị Quỳnh Tr. (SN 1992).
Sau khi đưa lên bờ, thi thể nạn nhân đã được chuyển về nhà xác bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để chờ người thân tới nhận diện. Hiện lực lượng cứu nạn cứu hộ vẫn đang khẩn trương tìm kiếm nạn nhân còn lại.
Liên quan đến vụ việc, báo Lao động đưa tin, chiều cùng ngày, Thanh tra sở Du lịch TP.HCM đã mời công ty TNHH Gutrip (địa chỉ quận 8) - đơn vị bán tour lên làm việc để làm rõ một số nội dung.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về vụ việc du khách gặp nạn, sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết công ty Gutrip phối hợp với trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà) tổ chức tour cho du khách, chưa được cấp phép kinh doanh lữ hành theo quy định.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty Gutrip do sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp, trong đó ngành nghề đăng ký kinh doanh là đại lý du lịch, điều hành tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Công ty phối hợp với trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường đã bán tour cho 25 du khách khám phá vườn quốc gia, trong đó có 2 nữ du khách bị nước cuốn mất tích trong những ngày qua.
Bình Dương: Nam sinh từ sân thượng trường nghề xuống đất, tử vong thương tâm
Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 8h ngày 1/12 tại trường cao đăng Công nghệ Đồng An nằm trên đường 30/4, phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Vào thời điển trên, các sinh viên của trường nhìn thấy một nam sinh rơi từ sân thượng của tòa nhà 4 tầng xuống đất.
Những sinh viên có mặt vội chạy lại kiểm tra thì phát hiện nạn nhân đã tử vong. Nhận được tin báo về vụ việc, cơ quan chức năng nhanh chóng có mặt, tiến hành phong tỏa hiện trường, lấy lời khai để phục vụ cho công tác điều tra.
Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là Đỗ Quốc T. (16 tuổi), quê ở Trảng Bom, Đồng Nai. T. hiện đang là học sinh của một trường THPT ở TP. Dĩ An và cũng đang theo học một lớp dạy nghề của trường cao đẳng Công nghệ Đồng An.
Phát hiện quả bom nặng 260kg nằm dưới đầm sen ở Hải Dương
Quả bom được phát hiện nặng 260kg. Ảnh: VTC News |
Theo thông tin từ phía UBND tỉnh Hải Dương, quả bom được phát hiện vào sáng ngày 30/11 ở khu vực đầm sen thuộc thôn Phụ Dực, xã Hồng Phong, huyên Ninh Giang (Hải Dương).
Nhận được tin báo về vụ việc, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện Ninh Giang phối kết hợp với Công an huyện Ninh Giang để phong tỏa khu vực có bom, cắm biển cấm và biển báo xung qua khu vực nguy hiểm, đồng thời cắt cử lực lượng canh gác 24/24 giờ.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương cũng điều lực lượng công binh xuống hiện trường để kiểm tra, khảo sát và xác minh các thông tin liên quan đến quả bom mới được phát hiện. Kết quả kiểm tra cho thấy quả bom này còn sót lại từ thời chiến.
Hình dáng quả bom vẫn nguyên vẹn, không bị móp méo trong khi màu sơn và mã ký hiệu cũng vẫn còn rõ (ký hiệu MK82 do Mỹ sản xuất vào năm 1972). Đường kính thân quả bom là 35cm.
Cơ quan chức năng hiện đang lên kế hoạch báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành xử lý quả bom theo quy định.
Tạm dừng các chuyến bay thương mại
Chiều 1/12, kết luận họp Thường trực Chính phủ về COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “phải bình tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn, trước hết là các thành phố lớn, các khu tập trung đông người. Thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”, trước hết là 2K: Đeo khẩu trang và khử khuẩn.
“Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong 2 đợt dịch trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ.
TP.HCM thực hiện cấp bách, thần tốc việc điều tra, truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2 đối với số lượng người đã phát hiện, “không để vòng tuần hoàn thứ 3 nguy hiểm ra cộng đồng”.
Với trường hợp lây nhiễm vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xác định đây là vi phạm nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vì vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan.
Các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, các khu tập trung chú ý vấn đề đeo khẩu trang. Tăng trường kiểm tra các chủ trương đã nêu, đặc biệt là đeo khẩu trang và khử khuẩn, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát những nơi có nguy cơ dễ xảy ra lây nhiễm như siêu thị, bệnh viện, phương tiện công cộng, trường học, nhà máy… Những vụ việc đã xảy ra cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là ngành y tế.
“Các cấp, các ngành, các địa phương khi tiếp khách nước ngoài, người từ nước ngoài về, hay từ vùng có khả năng lây nhiễm cao thì phải hỏi ý kiến ngành y tế trước khi quyết định”, Thủ tướng nói. Quản lý biên giới, xuất nhập cảnh chặt chẽ. Các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết). Hành khách trên mọi chuyến bay về nước thì đều phải được cách ly 14 ngày.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cụ thể cùng với Bộ Y tế về việc cách ly các tổ bay, các tiếp viên của các hãng hàng không một cách nghiêm túc, đúng quy định, không để tình trạng lỏng lẻo như vừa qua.
Tiếp tục dừng các hoạt động không cần thiết; các hoạt động tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Thực hiện giãn cách xã hội với khu vực có nguy cơ cao và có chủ trương khoanh vùng hợp lý, không giãn cách xã hội tràn lan ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh.
Về công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phổ cập tinh thần không chủ quan trong phòng chống dịch vì dịch còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới; hướng dẫn người dân đề phòng bệnh tật. Ngăn chặn thông tin tiêu cực, bịa đặt, “tinh thần chủ động, tích cực, không mất cảnh giác chứ không phải tinh thần hoang mang, run sợ khi một ca lây nhiễm trong cộng đồng xảy ra ở TPHCM”, Thủ tướng nói. TPHCM triển khai mọi biện pháp, xử lý các trường hợp F1, F2 kiên quyết, kịp thời, thần tốc.
Cần bảo đảm năng lực cho hệ thống, kể cả tinh thần sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch. Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề vaccine ngừa COVID-19, sớm có phương án báo cáo Thường trực Chính phủ.
Bạch Hiền (t/h)