Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 14/9/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 14/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nghệ An: Hỗn chiến sau cuộc nhậu, thiếu niên 17 tuổi đâm tử vong đối thủ
Hiện trường vụ hỗn chiến khiến 1 người tử vong. Ảnh: VietNamNet |
Sáng ngày 13/9, trao đổi với báo VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) Nguyễn Viết Dũng cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng khiến 1 nam thanh niên tử vong.
Báo Tri Thức Trực Tuyến cũng đưa tin về vụ việc, Công an huyện Anh Sơn đang tạm giữ đối tượng Lê Văn Hồng (17 tuổi, trú xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) để điều tra về hành vi Giết người. Trong đó, nạn nhân được xác định là Chu Văn Trường (29 tuổi), trú xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn.
Theo thông tin điều tra, khoảng 22h30 ngày 12/9, trên đường đi nhậu ở xã Khai Sơn về, anh Chu Văn Trường cùng 2 người bạn gặp một nhóm người đang ngồi uống rượu tại cầu Tri Lễ.
Tại đây, hai nhóm xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Trong lúc hỗn loạn, anh Trường bị Lê Văn Hồng dùng dao đâm gục tại chỗ.
Gây án xong, đối tượng nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Về phía nạn nhân, dù đã được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.
Ngay khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an xã Lạng Sơn cùng Công an huyện Anh Sơn đã nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường, truy bắt nghi phạm.
Đến khuya cùng ngày, đối tượng Lê Văn Hồng đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa về trụ sở lấy lời khai.
Được biết, nhóm người ngồi uống rượu tại cầu Tri Lễ có 5 người trú tại huyện Con Cuông đến đây làm thuê. Nạn nhân chưa lập gia đình, hiện đang sống chung với bố mẹ, gia đình làm nông nghiệp và thuộc diện cận nghèo.
Nam Định: Rủ nhau đi tắm biển, 2 học sinh lớp 5 đuối nước thương tâm
Thông tin trên báo Công Lý, sáng 13/9, lãnh đạo UBND xã Hải Chính (huyện Hải Hậu, Nam Định) xác nhận, tại khu vực cống số 4 trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 2 học sinh tử vong.
Cụ thể, vào khoảng 16h30 ngày 12/9, hai học sinh lớp 5 gồm cháu Lại Ngọc C. và Nguyễn Văn N. (cùng trú tại xóm 3, xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, Nam Định) đi xe đạp ra đê biển và xuống khu vực cửa cống chảy ra biển tắm. Do nước sâu nên hai em đã bị đuối nước.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng xã Hải Chính lập tức tổ chức tìm kiếm xung quanh khu vực này.
Đến chiều tối cùng ngày, đội cứu hộ đã vớt được thi thể 2 học sinh bàn giao cho gia đình đưa về an táng.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Kiều, Chủ tịch UBND xã Hải Tây (Hải Hậu, Nam Định) cho biết: "Sự việc hai cháu bị đuối nước là vô cùng đáng tiếc, khu vực các em tắm là cửa cống số 4 đổ ra biển, tại đây mực nước rất sâu. Sáng nay, phía ủy ban chúng tôi sẽ tới đám tang của các cháu, thăm hỏi, động viên gia đình"
Ông Kiều cũng cho biết, thời gian qua, tại các huyện, thành phố ở tỉnh Nam Định đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm, nguyên nhân chính là do các em học sinh tự ý ra khu vực ao, hồ, sông, biển tắm mà không có người lớn đi cùng.
Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cũng đã cảnh báo, ở những khu vực ao, hồ, sông hay các bãi tắm ven biển nước sâu, đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm thì người dân không được xuống tắm.
Cùng với đó, gia đình, nhà trường cần tăng cường quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước cho học sinh để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra trên địa bàn.
Ninh Thuận: Buộc tiêu hủy gần 300 con lợn mắc dịch tả châu Phi
Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận tiến hành phun thuốc ngừa dịch tại các trang trại lợn của người dân. Ảnh: Người Đưa Tin |
Theo báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận ổ dịch đầu tiên phát hiện tại hộ ông Võ Tấn Đức, Khu phố 1, thị trấn Tân Sơn vào ngày 28/8.
Cụ thể, từ ngày 17/8, gia đình ông Võ Tấn Đức phát hiện có hai con lợn nái có triệu chứng sốt, bỏ ăn. Đến ngày 20/8, cả hai con lợn nái đã chết, khi chết xuất hiện thêm các triệu chứng như: xuất huyết dưới da, hộc máu mũi, miệng.
Tiếp đó, từ ngày 21/8 đến 27/8, đàn lợn tiếp tục chết rải rác mỗi ngày từ một đến hai con. Ông Đức chôn số lợn chết trong khu vực đất của trang trại. Ngày 28/8, đã đến Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Sơn báo cáo.
Trao đổi với báo Thanh Tra, ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết: “Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm và ngày 29/8, nhân được Thông báo số 9836/TYV6-TH với kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu phi”.
Sau khi có kết quả xét ngiệm, Chi cục đã phối hợp với UBND huyện Ninh Sơn tiến hành việc tiêu hủy heo bị chết, bị bệnh.
Ngoài ra, Chi cục cũng đã nghi một số hộ như: Hộ ông Nguyễn Đặng Kế Tường 25 con, hộ ông Đặng Đức Trọng 9 con và hộ ông Nguyễn Hữu Đốc 11 con. cũng có triệu chứng tương tự nên cũng tiến hành theo dõi. Tính đến ngày 10/9, tại huyện Ninh Sơn đã có 157 con lợn bệnh, chết, buộc tiêu hủy, với trọng lượng hơn 20 tấn của bảy hộ chăn nuôi.
Ông Đặng Ngọc Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: “Ngày 6/9, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện có báo cáo tại hộ ông Hoàng Minh Lê, thôn Láng Me, xã Bắc Sơn, có nuôi tổng đàn 26 con lợn thịt, phát hiện lợn có biểu hiện nóng sốt, bỏ ăn chết. Sau khi lấy mẫu gởi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi, ngày 8/9, Chi cục Chăn nuôi Thú y Ninh Thuận và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện đã tiến hành tiêu hủy 26 con lợn nói trên với tổng trọng lương 442 kg”.
Còn tại huyện Bác Ái, ngày 9/9, huyện này cũng phát hiện ổ dịch tại trang trại của một hộ nuôi lợn rừng lai ở xã Phước Thắng có 69/300 con lợn bị dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi.
Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Ngô Thanh Lâm, cho biết: “Sau khi phát hiện dịch huyện cũng đã đã tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh vào ngày 11/9 và ngày 12/9, huyện sẽ công bố dịch trên địa bàn để nhân dân biết”
Như vậy, tính từ ngày 28/8 đến ngày 12/9, toàn tỉnh Ninh Thuận, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại chín hộ chăn nuôi thuộc 5 xã, thị trấn của ba huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái, với số lợn bệnh, chết buộc tiêu hủy gần 300 con.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết: “Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan nhanh, rộng qua các xã khác; tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều, vẫn còn tình trạng nuôi thả rông; thời tiết bất lợi do mưa nhiều, ẩm ướt làm giảm sức đề kháng của gia súc nên nguy cơ bùng phát trong thời gian tới là rất cao nếu không quyết liệt thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh: “Các ngành, các địa phương chú trọng việc hướng dẫn, tuyên truyền các hộ chăn nuôi trong vùng dịch ký cam kết không nuôi mới và tái đàn trong thời gian có dịch, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về phòng, chống dịch bệnh và không được hỗ trợ khi buộc phải tiêu hủy; thành lập Hội đồng kiểm tra, xác minh thiệt hại để làm căn cứ hỗ trợ, tránh phát sinh khiếu kiện, trục lợi chính sách”.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến cáo bà con trong tỉnh trong thời gian dịch tả lợn Châu Phi đang có diễn phức tạp nên thực hiện nghiêm túc 5 không: “không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.
Đà Nẵng: Nhóm ngư dân ngộ độc sau khi ăn cá mới đánh bắt được, 1 người tử vong
Thông tin trên VTC News, ngày 13/9, Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Đà Nẵng, cho biết, trong số 5 ngư dân kể trên, 1 người đã chết trên đường đưa vào bờ cấp cứu.
Cụ thể, vào đêm 12/9, tàu cá Đna 90421 của ông Lê Văn Dỏng (trú tổ 49, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) ra khơi đánh bắt tại vùng biển tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đến khuya, 9 ngư dân trên tàu ăn món cá vừa đánh bắt được. Khoảng 2h ngày 13/9, 5 người có dấu hiệu ngộ độc như mỏi mệt, nôn mửa.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Đà Nẵng hướng dẫn tàu cá lập tức chạy vào bờ, đồng thời điều động tàu của Hải đội 2 cùng lực lượng quân y khẩn trương lên đường cứu nạn.
Bên cạnh một ngư dân ngộ độc nhẹ tiếp tục theo tàu cá vào bờ, 4 người còn lại được chuyển lên tàu Hải đội 2. Khoảng 5h, người ngộ độc nặng nhất là thuyền trưởng Lê Văn Nở (44 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) qua đời.
Liên quan đến sự việc, báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin, sau khi được sự cứu giúp của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, đến 9h25, 3 ngư dân bị ngộ độc nặng gồm Lê Văn Mười (49 tuổi), Lê Văn Nam (52 tuổi), Nguyễn Văn Thương (35 tuổi), cùng ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê được đưa vào bờ để cấp cứu.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Bạch Hiền (t/h)