Hòa Bình: Bàng hoàng phát hiện thi thể nam giới trôi dạt trên sông Đà
Ngày 12/10, ông Lê Văn Thành- Chủ tịch phường Đồng Tiến (TP.Hòa Bình) cho biết, người dân vừa phát hiện một thi thể trôi dạt tại khu vực bờ kè sông Đà, thuộc địa phận phường.
Thi thể nam giới được phát hiện trên sông Đà. Ảnh minh họa
Sau khi nhận được tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt dể bảo vệ hiện trường, tiến hành xác định danh tính của nạn nhân.
Cũng theo lời ông Thành, thi thể này là nam giới và đã được đưa về nhà xác để khám nghiệm tử thi.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Sở Y tế Hà Nội đề xuất đặt biển trước nhà người về từ TP.HCM
Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo kế hoạch từ 10/10 đến 20/10, Hà Nội tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến trên ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu hành khách phải tuân thủ các điều kiện tại Quyết định số 1776 của bộ Giao thông vận tải ngày 8/10, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội, luôn thực hiện thông điệp 5K.
Đáng chú ý, sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ, có thể treo biển tại cửa nhà: "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch COVID-19".
Hành khách thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được xử trí theo quy định.
Người dân đi về phải ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Trong nội dung công văn, sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội là đầu mối tiếp nhận thông tin, danh sách hành khách và phối hợp với Cảng vụ hàng không, các hãng hàng không kiểm soát dịch tễ đối với hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài để sàng lọc, phân luồng hành khách và thông báo đến các quận, huyện, thị xã để quản lý, theo dõi sức khỏe và thực hiện xét nghiệm cho người dân tại nơi cư trú, nơi lưu trú; hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn đối với các quận, huyện, thị xã.
Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã là đầu mối tiếp nhận thông tin, danh sách hành khách về địa phương từ CDC và thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn để tiếp nhận quản lý; chỉ đạo các Trạm Y tế tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ người về từ các chuyến bay trên; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 9/10, Hà Nội yêu cầu khách đi máy bay từ Tân Sơn Nhất về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội phải cách ly tập trung 7 ngày. Hành khách từ Đà Nẵng về Nội Bài cách ly 7 ngày tại nhà, không phải cách ly tập trung.
Quy định cách ly tập trung người về từ TP.HCM của Hà Nội đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Tối 11/10, thành phố đã thông báo bỏ yêu cầu trên, hành khách di chuyển bay nội địa khi đến Hà Nội sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú, không phải cách ly tập trung.
Phân bổ hơn 5 triệu liều vaccine Pfizer tới các địa phương
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân. Ảnh minh họa
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 12/10 đã ban hành quyết định phân bổ vaccine ngừa COVID-19 đợt 57-59 với tổng cộng 5.386.680 liều vaccine Pfizer.
Cụ thể, đợt phân bổ thứ 57 gồm 1.499.940 liều, đợt 58 là 1.999.530 liều, đợt 59 là 1.887.210 liều.
Trong đó, số lượng vaccine của hai đợt 57 và 58 do COVAX Facility tài trợ. Số vaccine của đợt thứ 59 được mua từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ở đợt thứ 57, CDC Hà Nội được phân bổ nhiều nhất với 177.720 liều. Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Bắc cũng được nhận vaccine.
Trong hai đợt 58-59, TP.HCM nhận số lượng nhiều nhất với 639.630 liều. 19 tỉnh, thành phố khác ở phía Nam cũng được phân bổ vaccine trong hai đợt này.
Cùng ngày, bộ Y tế đã gửi công điện đến Bí thư Tỉnh uỷ, Thành ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Để đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, bộ Y tế điện Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố coi công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận vaccine ngay sau khi được phân bổ và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tăng nhanh độ bao phủ mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Bộ Y tế nhấn mạnh, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng chậm tiêm thì Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine cho địa phương khác có tiến độ tiêm chủng nhanh hơn và khi đó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến hết ngày 10/10, Việt Nam đã tiếp nhận 87,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó đã tiêm khoảng 55 triệu liều, gồm gần 39 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 (chiếm 54,3% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (chiếm 22,1%).
TP.HCM: Thí điểm mở lại các tuyến xe khách liên tỉnh từ ngày 13/10
Ngày 12/10, thông tin từ Giám đốc sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết vừa gửi văn bản khẩn đến sở GTVT các tỉnh, thành trên cả nước về việc thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng ô tô đến và đi từ TP.HCM.
Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10.
Theo đó, các doanh nghiệp vận tải sẽ được hoạt động tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong ngày theo lưu lượng đã được sở GTVT hai đầu tuyến thống nhất công bố. Đồng thời, hành khách phải ngồi giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Điều kiện hành khách đi từ TP.HCM đến các tỉnh, thành, Sở yêu cầu phải tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19);
Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của bộ Y tế;
Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe thì phải đáp ứng quy định có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe, tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của bộ Y tế;
Đối với hành khách đến TP.HCM: Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của bộ Y tế;
Trước đó, theo Pháp Luật TP.HCM, sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi các sở GTVT các tỉnh, thành phố để xem xét góp ý hoàn chỉnh dự thảo phương án vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Từ đó, báo cáo UBND tỉnh, thành phố xem xét chỉ đạo về việc tổ chức các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ TP.HCM.
Đồng thời, triển khai thực hiện Quyết định số 1777 ngày 10/10 của bộ GTVT ban hành Quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Sở GTVT TP.HCM đã rà soát đánh giá công tác chuẩn bị các bến xe liên tỉnh và các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố, đáp ứng thời gian thí điểm theo chỉ đạo của bộ GTVT.
Bạch Hiền (t/h)