Đắk Nông: Bắt nữ giám đốc lừa đảo hơn 8 tỷ đồng
Ngày 9/10, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng (49 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Nam Nhân) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế.
Đối tượng Lê Thị Hồng. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Theo điều tra ban đầu, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Nam Nhân do Hồng làm giám đốc đã đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền, vật tư xây dựng của một doanh nghiệp và cá nhân 8,3 tỷ đồng.
Không những vậy, từ năm 2016 đến năm 2017, Hồng còn chỉ đạo nhân viên thực hiện 58 hợp đồng mua bán, hoán đổi ki-ốt cho 108 điểm kinh doanh tại chợ Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Trong đó, thuế giá trị gia tăng là hơn 2 tỷ đồng nhưng công ty của Hồng không xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế theo quy định.
Bình Phước: Để F0 ăn cơm tại chỗ, chủ quán cơm bị phạt 7,5 triệu đồng
Ngày 9/10, UBND TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết đang xem xét tờ trình của UBND xã Tân Thành để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với 1 chủ quán cơm tại xã Tân Thành về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, người bị đề xuất xử phạt là ông V.V.K (sinh năm 1975, thường trú tại khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài), là chủ quán cơm trên quốc lộ 14, thuộc ấp 4, xã Tân Thành.
Vào khoảng 11h ngày 8/10, ông K đã bán cơm cho 1 tài xế xe tải và đồng ý cho người này được ngồi ăn tại quán. Sau khi ăn xong, tài xế này tiếp tục chở hàng vào khu công nghiệp Đồng Xoài 1. Tại đây, người này đã được xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh và cho kết quả dương tính với nCoV. Sau đó, kết quả PCR từ CDC cũng khẳng định, trường hợp này dương tính.
Trưa cùng ngày, sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng xã Tân Thành và thành phố Đồng Xoài đã tiến hành phong tỏa quán cơm, đưa ông K. vào khu cách ly tập trung. Đồng thời lập biên bản và đề xuất UBND thành phố Đồng Xoài xử phạt vi phạm hành chính đối với ông K. Qua điều tra, xác minh chỉ có một mình ông K. bán và ăn nghỉ tại quán, không tiếp xúc với ai.
Trước đó vào ngày 23/7, Công an TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã phát hiện 2 quán cơm và 16 khách hàng không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Tại thời điểm kiểm tra, quán cơm Dũng Huệ, địa chỉ phường Khai Quang, TP.Vĩnh Yên do bà Tạ Thị Huệ (sinh năm 1971), làm chủ cho 3 khách ngồi ăn cơm tại quán. Tại quán cơm Lạc Thân, đường Nguyễn Tất Thành, phường Khai Quang do ông Trương Văn Lạc (sinh năm 1959) làm chủ cho 13 khách ngồi ăn uống tại quán, theo báo Công An Nhân Dân ghi nhận.
Quảng Ninh miễn phí cách ly, xét nghiệm cho người dân về từ các tỉnh, TP phía Nam
Ảnh minh hoạ: TTXV
Ngày 9/10, tỉnh Quảng Ninh vừa có chỉ đạo hỗ trợ người dân về từ các tỉnh, thành phố phía Nam.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ tối đa để đón tất cả người dân là công dân tỉnh Quảng Ninh và gia đình đang sinh sống, làm việc tại một số tỉnh thành khu vực phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...) có nhu cầu trở về địa phương.
Công dân có nhu cầu trở về khẩn trương liên hệ (trực tiếp bằng bằng điện thoại, tin nhắn, văn bản,... hoặc thông qua người thân), thông tin đến UBND cấp xã nơi cư trú để tổng hợp, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố ngay khi nhận được thông tin từ người dân.
Địa phương nơi có người dân đăng ký trở về phối hợp cùng gia đình bố trí phương tiện đón; bố trí lực lượng thường trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của tỉnh để kịp thời tiếp nhận, đưa về địa phương, không bắt buộc sử dụng xe cứu thương.
Trường hợp người có phương tiện đi lại bằng ô tô đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì có thể cho phép di chuyển về nơi cách ly để giảm thiểu thời gian chờ đợi; bố trí khu vực phù hợp sẵn sàng để người dân chờ giải quyết thủ tục về tỉnh; thông tin đến UBND các huyện, thị xã, thành phố để thu xếp phương tiện (trong trường hợp người trở về không có phương tiện) đón người về địa phương và thực hiện các biện pháp xét nghiệm, cách ly theo quy định.
Trường hợp công dân thực hiện cách ly tại nơi cư trú có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp, UBND cấp xã chủ động nắm bắt thông tin, báo cáo UBND cấp huyện để có giải pháp hỗ trợ toàn bộ lương thực, thực phẩm thiết yếu để đảm bảo thực hiện cách ly an toàn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Toàn bộ kinh phí thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp cách ly tập trung, cách ly y tế, theo dõi sức khoẻ tại nhà; kinh phí tổ chức cách ly tập trung (ăn uống, lưu trú…) của người dân tỉnh Quảng Ninh trở về tỉnh từ các tỉnh phía Nam sẽ do UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí, người dân không phải chi trả.
Các địa phương khẩn trương tổng hợp, đề nghị sở Y tế bố trí nguồn vaccine tiêm ngay cho người dân theo chỉ định, quy định đối với các trường hợp người dân chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ vaccine.
Bộ Y tế dự kiến tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi từ tháng 10
Sáng 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP.HCM. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Theo báo Dân Trí, tại buổi làm việc, đa số ý kiến của các bác sĩ đều mong muốn sớm có hướng dẫn, quy định về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ. Các y bác sĩ nhận định đây là một trong những vấn đề cấp thiết cần thực hiện khi TP.HCM cùng cả nước từng bước mở lại các hoạt động.
Cụ thể, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thành phố cùng cả nước đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là trẻ em. Trong đó, dù phần lớn trẻ em nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ nhưng vẫn tồn tại một số trường hợp trẻ béo phì, có bệnh khiến bệnh tiến nặng, cần can thiệp ECMO và thậm chí tử vong.
Trong khi đó, hiện nay, số ca mắc COVID-19 là trẻ em được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cao. Trước sự lây lan của biến chủng Delta, trẻ em đang là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao khi chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh. Do đó, bác sĩ Hùng nhận định: "TP.HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em đang độ tuổi tới trường. Khi người lớn đã được chích ngừa đa số, sự nguy hiểm của dịch bệnh sẽ dồn về nhóm đối tượng này".
Ngoài ra, bác sĩ Hùng nói thêm, TP.HCM đã đưa ra lộ trình dự kiến cho các em học sinh trở lại trường học vào tháng 1/2022. Như vậy, thành phố còn 3 tháng để thực hiện việc tiêm vaccine cho các em để đảm bảo an toàn khi trở lại trường học.
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định thành phố có đủ điều kiện để thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em. Ông chỉ ra Chính phủ và Quốc hội đã phê chuẩn mua 10 triệu liều vaccine Abdala, loại vaccine có thể tiêm cho trẻ em. Bên cạnh đó, vaccine Pfizer cũng đang đề xuất tiêm cho trẻ trên 5 tuổi và có thể sẽ được phê duyệt trong thời gian tới.
Đồng tình với bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là vấn đề cấp thiết, cần Chính phủ và Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn.
Bác sĩ Tuyết dẫn chứng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm cho trẻ trên 12 tuổi, thậm chí trên 2 tuổi. Khoa học cũng đã chứng minh mức độ hiệu quả của tính an toàn, hiệu quả về việc tiêm vaccine phòng bệnh cho nhóm đối tượng trẻ em.
Báo Tuổi trẻ cho biết, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có phản hồi với những đề xuất trên. Trong đó, ông Thuấn chia sẻ Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến tháng 10 bắt đầu triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.
Theo ông Thuấn, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị và đang chờ nước bạn sớm gửi hồ sơ vaccine tiêm cho trẻ em để Việt Nam xem xét.
Được biết, dự kiến từ ngay đến cuối năm, ít 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ về tới Việt Nam. Dự tính trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiêm phủ ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 70% dân số trên 18 tuổi.
Bạch Hiền (t/h)