Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự mới nóng nhất 7/3: Bộ Y tế nêu nguyên nhân kit test khan hàng

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 7/3/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 7/3/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bộ Y tế nêu nguyên nhân kit test khan hàng

Tiền phong thông tin, theo Bộ Y tế, với nhu cầu sử dụng các bộ kít test nhanh COVID-19 của người dân gia tăng và kéo dài, Bộ Y tế đã có văn bản số 725/BYT-TTrB ngày 18/2/2022 gửi Bộ Tài chính và các bộ ngành về việc phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đề nghị Bộ Tài chính “Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19; Ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân”.

Tính đến ngày 4/3, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).

Hình minh họa.

 

Ngày 23/2, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đã làm việc với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu mặt hàng test kit xét nghiệm COVID-19 để trao đổi trực tiếp, nắm bắt tình hình về giá cả và khả năng cung ứng đối với hàng hóa này.

Cuộc làm việc đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến test kit khan hiếm là do nguồn cung hàng hóa bị thiếu do các nước sản xuất chính là Hàn Quốc, Trung Quốc hiện đang hạn chế xuất khẩu; các đơn vị, cá nhân bán lẻ tranh thủ tình hình nhu cầu cao và thiếu hàng hóa để tăng giá.

Bộ Y tế nhận định, nhìn chung giá sinh phẩm có xu hướng giảm. Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành để có phương án trình Chính phủ sau khi xác định cụ thể về danh mục và phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng chống dịch.

Liên quan đến vật tư y tế phòng chống dịch, với tình hình số ca nhiễm tăng cao, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra tình hình cung ứng, sử dụng ô xy tại TP. Hà Nội, Tổ công tác nhận thấy các đơn vị sử dụng cơ bản đã đảm bảo cơ sở vật chất và cung ứng khí ô xy y tế đáp ứng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Bộ Y tế cho biết, ô xy y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên toàn quốc hiện đang tạm thời ổn định.

Thu gom rác thải của các trường hợp F0 tại nhà, tránh lây lan dịch COVID-19

Thời gian qua, số ca mắc COVID-19 tăng nhưng chủ yếu ở thể nhẹ nên được cách ly, điều trị tại nhà, từ đó phát sinh lượng rác thải y tế lẫn với rác thải sinh hoạt. Trước thực tế đó, các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã rà soát phương án, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thu gom rác thải để xử lý bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Trao đổi với TTXVN, bà Phùng Phương Thảo, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cho biết, phường đã tăng cường thông báo, tuyên truyền đến từng hộ gia đình để người dân nắm bắt và thực hiện quy trình, phương án phân loại, thu gom rác thải của các F0, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Phường cũng phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Hoàn Kiếm (Urenco 2) gửi danh sách, địa chỉ từng gia đình F0 điều trị tại nhà và thống nhất thời gian để phía Công ty thu gom thuận lợi, hiệu quả, an toàn.

Liên quan đến việc xử lý rác thải của F0 tại nhà, ông Vũ Tuấn Cường, Phó giám đốc Urenco 2 cho biết, đơn vị tổ chức các tổ gồm 2 người, công nhân và lái xe mặc quần áo bảo hộ y tế, đi trên xe tải nhỏ, chở thùng nhựa màu vàng khoảng 240 lít thực hiện công tác thu gom vận chuyển rác thải từ các gia đình F0 về điểm tập kết tập trung. Trước khi thu gom, rác phải được phun khử trùng, khử khuẩn đảm bảo dịch bệnh không bị phát tán ra môi trường trong quá trình thu gom.

Túi đựng rác của các F0 điều trị tại nhà đều được yêu cầu dán nhãn để nhận diện.

Theo ông Vũ Tuấn Cường, việc thu gom rác thải rất cần ý thức của các hộ gia đình, người dân. Nếu những trường hợp F0 không khai báo trung thực, dẫn tới để rác thải của người nhiễm lẫn rác thải sinh hoạt, sẽ gây nguy cơ lây nhiễm cho chính người thu gom và cả cộng đồng. Hoặc người dân không thực hiện đưa rác ra ngoài cửa nhà theo đúng khung giờ quy định sẽ gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển.

Đồng Nai: Biến thể Omicron đã xâm nhập, lây lan nhanh trong cộng đồng

Ngày 6/3, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trên Pháp luật TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy 10 mẫu bệnh phẩm dương tính với COVID-19 ngẫu nhiên trong cộng đồng thuộc nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh để gửi Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene xác định biến thể của virus SARS-CoV-2.

Kết quả giải trình tự gene của Viện Pasteur TP.HCM ngày 5-3 cho thấy cả 10 mẫu bệnh phẩm của Đồng Nai gửi lên đều là biến thể Omicron.

"Như vậy, có thể khẳng định chủng virus đang lây lan tại Đồng Nai chủ yếu là biến thể Omicron. Vì vậy, dự báo tốc độ lây lan dịch bệnh sẽ cao trong thời gian tới", Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận định.

Trong hai ngày 4 và 5-3, toàn tỉnh ghi nhận gần 7.900 ngàn ca mắc COVID-19 mới. Hiện 688 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hơn 21,7 ngàn F0 khác đang điều trị tại nhà.

Tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai đến nay là 1.841 ca, hiện còn 87 ca nguy kịch đang tiếp tục được chăm sóc, điều trị.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật