TP.HCM tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết Nguyên đán
Ngày 26/1, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trước các diễn biến mới của dịch, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại nhằm tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.
Theo TTXVN, TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Người dân đang ở tại thành phố (thường trú và tạm trú) có nhu cầu tiêm vaccine có thể đến bất kỳ địa điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước). Thành phố sẽ nỗ lực bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận.
Hầu hết trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn TP ghi nhận ở người thuộc nhóm nguy cơ như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Mặc khác, hiệu quả vaccine có thể giảm dần theo thời gian. Vì vậy, việc tiêm mũi 3 sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến chủng Omicron và các biến thể khác của COVID-19.
Nếu đã từng mắc COVID-19 trước đó vẫn nên tiêm vaccine, vì thực tế cho thấy, vẫn có khả năng tái nhiễm biến chủng này, nguy cơ bị bệnh nặng, nguy cơ truyền virus cho người khác.
Do đó, việc tiêm đủ liều vaccine cho người dân là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với biến chủng Omicron, tránh các diễn biến bệnh chuyển nặng, nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Hà Nội lý giải nguyên nhân chưa cho karaoke, massage mở cửa lại
Theo Pháp luật TP.HCM, chiều 26/1, tại cuộc họp báo của UBND TP.Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội đã thông tin với báo chí về kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động karaoke, bar, vũ trường, massage… trên địa bàn.
Ông Cương cho hay TP đang thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của bộ Y tế. Việc đánh giá cấp độ dịch được áp dụng trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn kèm theo là những biện pháp hành chính tương ứng.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội.
Trong khi đó các ngành nghề karaoke, bar, vũ trường, massage... thường diễn ra trong không gian kín, tập trung đông người nên có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ông Cương cho hay những tuần gần đây, TP ghi nhận trung bình gần 3.000 ca mắc mới/ngày. Đáng chú ý đến nay, TP đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và một người trong cộng đồng. Hiện lực lượng phòng chống dịch đã truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Dự kiến, tuần tiếp theo Hà Nội có thể ghi nhận mức giảm giả tạo do người dân về quê đón tết và sẽ tăng trở lại ngưỡng 3.000 ca/ngày sau Tết, thậm chí cao hơn nếu người dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là 5K.
Bắc Ninh triển khai đường dây nóng tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà
Thông tin trên VOV, ngày 26/1, sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với sở Y tế tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan khai trương thiết lập hệ thống Tổng đài tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà.
Tổng đài 1022 có đội ngũ tư vấn viên là bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc điều trị COVID-19, trực 24/24 giờ/ngày, cả thứ bảy và chủ nhật. Đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các thông tin liên quan đến điều trị COVID-19 cho người mắc hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19.
Theo đó, người dân trong tỉnh có thể quay số từ cố định nội hạt bằng cách trực tiếp bấm 1022, người dân ngoại tỉnh có thể gọi trực tiếp số 02221022 để được tư vấn, hỗ trợ.
Để thuận tiện cho người dân trong việc tư vấn, Tổng đài 1022 được chia thành 3 nhánh: Nhánh 1 – Thông tin chung về dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; nhánh 2 – Gặp bác sĩ tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà; nhánh 3 – Kết nối đường dây nóng của các Trung tâm Y tế huyện/thành phố.
Đối với các trường hợp thông tin cần trả lời những phản ánh của người dân, tổ chức không nằm trong hệ thống cơ sở dữ liệu có sẵn hoặc vượt qua khả năng thì bộ phận thường trực định tuyến kết nối với đội ngũ bác sĩ đồng hành và sàng lọc thông tin, cập nhật trên phần mềm của hệ thống tổng đài.
Việt Hương (T/h)