Bộ Y tế nói về kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 khan hiếm
Trước những thông tin phản ánh thời gian gần đây xảy ra tình trạng khan hiếm và biến động về giá kit test xét nghiệm SARS-CoV-2, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết trên Pháp luật TP.HCM, đến nay Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trong đó có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).
Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 là các trang thiết bị y tế loại C, D nên khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định; các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế loại C, D theo quy định.
Có nhiều lý do dẫn đến việc kit test COVID-19 tăng giá. (Ảnh minh họa)
Theo ông Lợi, hiện nay Bộ đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit test nhanh SARS-CoV-2.
“Có thể thấy rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng kit test của người dân tăng cao… Qua các kênh thông tin cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý”- ông Lợi nói.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét đưa kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kịp thời đăng tải các thông tin, công khai giá, công khai kết quả trúng thầu. Đăng tải công khai các sản phẩm đã được cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu cũng như các sản phẩm bị thu hồi…
Ngày 23/2, Thanh Hóa ghi nhận 804 bệnh nhân mắc COVID-19
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa: Tính từ 16h, ngày 22/2 đến 16h ngày 23/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 804 bệnh nhân mắc COVID-19 mới.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 38.513 bệnh nhân COVID-19 cộng dồn; 33.215 người điều trị khỏi được ra viện; 54 bệnh nhân tử vong.
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Toàn tỉnh đã tiếp nhận 5.938.148 liều vắc xin phòng COVID-19, đã và đang triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 với kết quả cụ thể như sau: 2.386.205/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,7%; 2.356.224/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 98,4%; 283.435/285.497 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,3%; 281.516/285.226 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 98,6%; 390.304 người tiêm mũi bổ sung và 291.579 người tiêm mũi nhắc lại.
Ngày 23/2, Thanh Hóa ghi nhận 804 bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Mỗi người dân hãy theo dõi chặt chẽ thông tin từ ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương mình, tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Thái Nguyên: Ghi nhận thêm 1.499 ca mắc COVID-19
Từ 18h ngày 22/2 đến nay, Thái Nguyên ghi nhận 1.499 trường hợp có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, giảm 146 ca so với hôm qua.
Tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, Thái Nguyên có 33 trường hợp tử vong do mắc COVID-19.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.297 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó Bệnh viện COVID số 1: 213; Bệnh viện COVID số 2: 218; Bệnh viện COVID số 3: 427; Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: 156; Bệnh viện Quân y 91: 124; Bệnh viện A Thái Nguyên: 35; Bệnh viện đa khoa Phú Bình: 60; Bệnh viện C Thái Nguyên: 64 bệnh nhân.
Hôm nay, Thái Nguyên có 1.692 bệnh nhân điều trị tại nhà được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số F0 điều trị tại nhà, đã khỏi bệnh lên 13.642 trường hợp.
Việt Hương (T/h)