7 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi sắp về Việt Nam
Chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trên VietnamNet, dự kiến trong tuần sau, Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
"Hiện nay chúng ta cơ bản đã thống nhất hết, chỉ còn là thủ tục. Dự kiến có 7 triệu liều được giao trước trong đợt 1", thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.
Cụ thể, trong quý 1/2022, 7 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ về Việt Nam. Số còn lại (14,9 triệu liều) được giao trong quý 2. Bộ Y tế sẽ sớm triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vắc xin phù hợp.
Vắc xin COVID-19 do Pfizer sản xuất được dùng trong đợt tiêm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Cũng trong hôm nay, Bộ Y tế đã cập nhật quyết định phê duyệt khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Pfizer. Theo đó, liều cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có liều lượng 0,2 ml, chứa 10 mcg vắc xin mRNA, liều cho người từ 12 tuổi trở lên là 0,3 ml chứa 30 mcg vắc xin mRNA.
Đà Nẵng gia hạn thực hiện hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng do đại dịch COVID-19
Theo Nhân dân, chiều 1/3, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã ký văn bản gia hạn thời gian thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 năm 2021.
Cụ thể, thực hiện hỗ trợ theo hộ (hộ có thể là 1 người hoặc nhiều người làm cùng công việc hoặc làm khác công việc), với mức 3.000.000 đồng/hộ/lần. Mỗi hộ kinh doanh, người lao động, mỗi đối tượng chỉ được nhận một suất hỗ trợ cao nhất. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 28/2/2022.
Tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng là hộ có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố, bình quân từ 2.500.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn và từ 3.000.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị, bao gồm:
Hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, làm muối không phải đăng ký hộ kinh doanh; những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau: buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến; thực hiện các dịch vụ: đánh giày, sửa chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, vẽ tranh, chụp ảnh có hoặc không có địa điểm cố định.
Đà Nẵng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19.
Điều kiện hỗ trợ là bị mất việc làm hoặc phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; có hộ khẩu thường trú hoặc có sổ tạm trú dài hạn do cơ quan công an cấp theo quy định, kể từ ngày 1/5/2021 trở về trước và chưa được hỗ trợ theo Kế hoạch so 135/KH-UBND và khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Đắk Nông siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa có công văn chỉ đạo Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp với số ca mắc mới liên tục tăng.
Bên cạnh đó, Đắk Nông siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tập trung đông người.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên trong quý 1/2022; đồng thời chủ động, tập trung nhân lực, vật lực để triển khai tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi khi được cung ứng vaccine.
Tại thành phố Gia Nghĩa, ngành chức năng yêu cầu các hoạt động trong nhà không được quá 70% công suất và phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch.
Các hoạt động ngoài trời phải được thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tập trung không quá 100 người. Đám cưới, đám tang không tập trung quá 50 người.
Các loại hình kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao như karaoke, vũ trường, quán bar… được yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
Các bậc học mầm non, tiểu học và từ lớp 6-8 (bậc Trung học cơ sở) tạm ngưng dạy học trực tiếp, hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến.
Việt Hương (T/h)