COVID-19 sẽ được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng BHXH
Theo dự thảo thông tư do Bộ Y tế xây dựng, bệnh COVID-19 được định nghĩa là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với COVID-19.
Các nghề nằm trong danh mục được xếp vào nhóm có nguy cơ cao và được hưởng chính sách trên gồm: Người làm việc tại cơ sở y tế; người làm trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu virus SARS-CoV-2; người làm công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; người làm công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19; người làm công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm COVID-19.
Hồ sơ hưởng chính sách bệnh nghề nghiệp với chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 phải kèm theo giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận bị mắc bệnh COVID-19, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: PLO)
Cạnh đó, người bệnh cần kèm theo biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2, hoặc văn bản cử đi tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu. Các văn bản này thay thế kết quả quan trắc môi trường lao động hoặc biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.
"Những người làm nghề trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày thông tư này có hiệu lực được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp, khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định…" - dự thảo thông tư của Bộ Y tế nêu rõ.
Cảnh báo hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ sau mắc COVID-19
Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn ghi nhận có 315 trẻ được chẩn đoán mắc hoặc nghi ngờ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau khi mắc COVID-19, chiếm 0,4% tổng số trẻ mắc COVID-19 trong cùng giai đoạn.
Cụ thể, lứa tuổi thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi (149 trường hợp, chiếm 47,3%), kế đến là trẻ từ 5-12 tuổi (145 trường hợp, chiếm 46%) và cuối cùng là trẻ trên 12 tuổi (21 trường hợp, chiếm 6,7%). Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiệu như: sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim.
Riêng biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như giãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi. Thuốc điều trị MIS-C bao gồm các thuốc ức chế, điều hòa hệ miễn dịch, các thuốc vận mạch trong những trường hợp nặng và các thuốc hỗ trợ khác. Một số trường hợp nguy kịch cần được hỗ trợ hô hấp tuần hoàn tại khoa hồi sức tăng cường.
Một bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống sau mắc COVID-19 (Ảnh: BV Nhi đồng Thành phố)
Các trẻ sau khi bị MIS-C đã điều trị ổn định được xuất viện vẫn cần phải theo dõi và tái khám định kỳ mỗi tháng trong ít nhất 3-6 tháng sau đó hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch. Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, đa số các trường hợp mắc hội chứng MIS-C sẽ có đáp ứng tốt.
Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa trẻ em mắc hội chứng MIS-C là cho tất cả trẻ em đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên tiêm vaccine COVID-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế mắc COVID-19 ngay cả khi đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái "chạy nước rút" để hoàn thành trong quý II
Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có tổng chiều dài gần 80,2km, quy mô 4 làn xe ôtô với vận tốc tối đa 120km/h. Tuyến cao tốc được chia làm 2 dự án gồm Cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh và Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Sau 3 năm thi công trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh, thời tiết, địa hình phức tạp, đến nay các hạng mục mặt đường của dự án đã thảm nhựa đạt trên 95%, hoàn thành toàn bộ 32 cây cầu trên tuyến. Các hạng mục khác như hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng, dải phân cách, hàng rào bảo vệ cao tốc… đang được gấp rút triển khai và hoàn thành đồng bộ trong tháng 4/2022.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành toàn bộ 32 cây cầu trên tuyến, thảm nhựa mặt đường đạt trên 95%. (Ảnh: VOV)
Cùng với đó, chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị liên quan để thực hiện nghiệm thu công trình, triển khai các điều kiện pháp lý để sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng toàn tuyến đồng bộ. Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án trọng điểm chiến lược này, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục phát huy khí thế, tiến độ thi công trong thời gian qua; đồng thời cần đặt chất lượng công trình lên hàng đầu, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, nhất là ở giai đoạn nước rút.
Các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, thực hiện kiểm tra, nghiệm thu độc lập trên cơ sở các quy định của pháp luật; tăng cường quản lý quỹ đất, quỹ rừng ngập mặn dọc tuyến để đảm bảo các yếu tố môi trường; giải quyết các vấn đề liên quan tới ngập lụt, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, đảm bảo đưa công trình vào khai thác hiệu quả trong quý II/2022.
Việt Hương (T/h)