Côn Đảo đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
Chiều 20/11, ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trên Tuổi trẻ, Côn Đảo đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ngoài cộng đồng. 100% người dân huyện đảo này đủ điều kiện đã được tiêm 2 mũi vắc xin.
Hình minh họa.
Theo đó, người nhiễm COVID-19 đầu tiên tại huyện đảo Côn Đảo là một phụ nữ 33 tuổi, ở trọ tại khu dân cư số 10, huyện Côn Đảo. Người này đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Qua truy vết, cơ quan chức năng xác định, ngày 10/11, người này đi từ Côn Đảo về Trảng Bom (Đồng Nai) thăm ba mẹ, sau đó đến Thuận An (Bình Dương) làm nhân viên cho một quán karaoke. Tại đây có ca nhiễm COVID-19 nên trưa 12/11, người này lên TP.HCM đi máy bay ra Côn Đảo.
Đến ngày 13/11, người phụ nữ này đau họng và lên Trung tâm Y tế quân dân y huyện Côn Đảo để xét nghiệm nhanh và cho kết quả âm tính. Đến ngày 18-11 chị này tiếp tục đến Trung tâm Y tế quân dân y huyện Côn Đảo để lấy mẫu xét nghiệm và sáng 20/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kết quả xét nghiệm thì chị này nhiễm COVID-19.
Huyện Côn Đảo đã truy vết được 34 người F1, 48 người F2 với người phụ nữ trên và lấy mẫu gửi về đất liền để xét nghiệm. Được biết, 100% người dân Côn Đảo đủ điều kiện đã được tiêm 2 mũi vắc xin.
Bạc Liêu thắt chặt việc người dân ra đường, bắt đầu phát thẻ đi chợ
Đầu tháng 10/2021, hàng chục ngàn người từ các tỉnh trên đổ về Bạc Liêu là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng. (Ảnh: PLO)
Pháp luật TP.HCM thông tin, chiều 20/11, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều ban hành quyết định thắt chặt một số hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hai lĩnh vực bị thắt chặt là việc đi lại của người dân và các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, từ ngày 21/11, trên toàn địa bàn tỉnh sẽ ngưng việc phục vụ tại chỗ tất cả các hoạt động dịch vụ ăn, uống, kể cả nhà hàng và nhà hàng trong khách sạn. Việc đi lại của người dân toàn tỉnh bị hạn chế theo kiểu gần như thực hiện chỉ thị 16 trước đây.
Cụ thể, cấm mọi người ra đường kể từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ các hoạt động công vụ được phép của chính quyền và các hoạt động phòng chống dịch, cấp cứu, xử lý các sự cố điện nước viễn thông và công nhân đi làm ca đêm về.
Mọi người dân không được ra đường kể cả ban ngày nếu chưa được tiêm vaccine từ 1 mũi qua 14 ngày trở lên, hoặc chưa phải là người đã khỏi bệnh COVID19 còn trong hạn 6 tháng kể từ ngày khỏi bệnh.
Hà Nội không cho 4 quận trung tâm cách ly F1 tại nhà
Tri thức trực tuyến thông tin, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký hướng dẫn của UBND TP về việc cách ly tại nhà người tiếp xúc gần (F1). Văn bản nêu rõ việc cách ly F1 tại nhà được thực hiện trên địa bàn TP trừ 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
TP.Hà Nội yêu cầu nơi cách ly là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”, có thùng màu vàng dán biểu tượng chất thải lây nhiễm và nhãn“CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.
Nhà để cách ly F1 phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly; phòng cách ly phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay) và dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
Chính quyền TP yêu cầu không dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt; phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm.
Theo hướng dẫn này, người cách ly y tế tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế, không ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình, vật nuôi trong thời gian cách ly.
F1 tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày; khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở báo ngay cho cán bộ y tế. Người tiếp xúc gần F0 lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly.
Gia đình không để người già, người có bệnh nền ở cùng nhà với người cách ly; không tiếp xúc với người cách ly, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở.
Tất cả người ở cùng nhà được lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14, sắp xếp một khu vực trong nhà để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế khi có yêu cầu.
Cơ quan chức năng tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải của người cách ly tại nhà để xử lý theo quy định; đề nghị bố trí hỗ trợ cung cấp thực phẩm, các nhu yếu phẩm và các yêu cầu cần thiết khác đến tận nhà ở/hộ gia đình của người cách ly.
Việt Hương (T/h)