Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường 3, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ngày 5/9 cho biết trên Người lao động, đã di dời khẩn cấp 5 hộ dân (13 nhân khẩu) và tài sản tại khu vực xảy ra sạt lở ở đường Hà Huy Tập, để đảm bảo an toàn.
Theo đó, khoảng 22h30 ngày 4/9, sau thời gian mưa kéo dài nhiều ngày, một đoạn taluy đường Hà Huy Tập, cao 15m bất ngờ sạt lở xuống phía dưới khiến một ngôi nhà thủng tưởng. "Lúc đó nhà tôi chuẩn bị đi ngủ thì nghe một tiếng động lớn bên hông. Đi kiểm tra thì mới thấy tường nhà thủng một lỗ lớn vì sạt lở đập vào" - ông Nguyễn Văn Phước (số 136 đường Hà Huy Tập) kể.
Theo chính quyền địa phương, bờ taluy cao khoảng 15 m, phần đất bị sạt lở từ đoạn cao 3 m làm khoảng hơn 20 mét khối đất bị sạt xuống sau phía dưới. Cơ quan chức năng phải di dời 5 hộ dân đến nơi khác để đảm bảo an toàn.
Đoạn taluy bị sạt lở xuống nhà dân vào khuya 4/9. (Ảnh: Người lao động)
Nhiều ngày qua, TP.Đà Lạt có mưa liên tục. Hiện nay do bị ảnh hưởng của bão số 3 nên toàn tỉnh có mưa kéo dài, tăng nguy cơ sạt lở. Những ngày trước, đường đèo Tà Nung (đường ĐT 725) và Quốc lộ 20 nối Đà Lạt với khu vực Cầu Đất cũng bị sạt lở lớn.
Theo Tiền phong, ngày 5/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương thông báo về việc vận hành thử tràn xả lũ hồ Dầu Tiếng mùa lũ năm 2024.
Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên khai thác Thủy lợi Miền Nam vận hành thử thiết bị cửa van các khoang số 2,3,4,5,6 xả nước qua tràn xả lũ hồ Dầu Tiếng.
Thời gian xả trong ngày 5/9, lưu lượng xả từ 36 m3/s đến 100 m3/s. Với lưu lượng xả như trên, cơ quan chức năng khẳng định sẽ không gây ngập úng các xã, phường ven sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương thông báo để Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven sông gồm huyện Dầu Tiếng, TP.Bến Cát, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một và Trung tâm Đầu tư, khai thác Thủy lợi và Nước sạch nông thôn được biết để chủ động phòng tránh.
Trước đó, không ít lần nhà dân tại các địa bàn ven sông Sài Gòn bị ngập. Người dân cho rằng, ngoài mưa lớn, việc xả lũ hồ Dầu Tiếng cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng.
Hồ Dầu Tiếng thông báo xả nước. (Ảnh: Tiền phong)
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hòa, nhiệm vụ của hồ là phải xả trong mùa mưa để bảo vệ an toàn hồ. Công ty vận hành theo quy trình, có thông báo trước cho địa phương và có cảnh báo.
Với diện tích mặt khoảng 270 km2, hồ Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết trên VOV, hệ thống của Trung tâm vừa ghi nhận một trận động đất có độ lớn 3.5 xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.970 độ vĩ Bắc, 108.114 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Còn tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, hôm nay, hệ thống của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng đã ghi nhận tại đây 2 trận động đất có độ lớn 3.1 và 3.6. Hai trận động đất này có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km và thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết, vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.