Theo tin tức Tuổi trẻ, ngày 13/1, UBND TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho hay đã cử đại diện thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình hai cháu nhỏ không may chết đuối khi đang đi bắt ốc ở vùng bán ngập hồ thủy điện.
Đại diện UBND TP.Kon Tum đã đến hai gia đình tại thôn Kroong Ktu, xã Kroong, TP.Kon Tum, gửi lời động viên, chia buồn và trao hỗ trợ cho gia đình cháu Y.P. (11 tuổi) và cháu Y.N.T. (1 tuổi).
Chiều tối 11/1, nhóm bốn trẻ nhỏ gồm: Y.P. (11 tuổi), P.O. (5 tuổi), C.P.O. (4 tuổi) và Y.N.T. (1 tuổi), trú cùng thôn Kroong Ktu, rủ nhau xuống vùng bán ngập thủy điện Ialy vui chơi, bắt ốc.
Trong lúc vui đùa tại đây, hai cháu Y.P. và Y.N.T. không bay bị trượt chân, đuối nước.
Hiện trường vùng đất bán ngập vùng hồ thủy điện, nơi 2 đứa trẻ sụp hố sâu và chết đuối. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ngay khi phát hiện vụ việc, người dân đã đưa hai nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu nhưng hai em đã tử vong ngoại viện.
Một lãnh đạo xã Kroong cho hay qua xác minh, hai em chết đuối do bị trượt chân rơi xuống hố người dân đào để lấy nước tưới tại vùng bán ngập. Trong đó, Y.P. đang bế Y.N.T. đi bắt ốc, cả hai có quan hệ họ hàng.
Hai cháu đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chiều 13/1, chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết Dân trí, khoảng 12h cùng ngày, tại một nhà kho trên địa bàn xã Tân Triều xảy ra hỏa hoạn.
Theo vị chỉ huy, đám cháy sau đó lan tiếp ra 3 nhà kho khác chứa giấy ăn và ván gỗ ép. Tổng diện tích cháy khoảng 80m2. Rất may vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người. Tới 13h20, đám cháy được khống chế, dập tắt.
Sau khi nhận tin báo, cảnh sát PCCC&CNCH đã huy động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sỹ tới hiện trường dập lửa, tìm kiếm cứu nạn.
Cột khói đen từ vụ hỏa hoạn bốc cao hàng chục mét. (Ảnh: Dân trí)
Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được Công an huyện Thanh Trì làm rõ.
Theo TTXVN, trong đêm 12, rạng sáng 13/1, nền nhiệt ở nhiều khu vực miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An xuống thấp dưới 10 độ C, cá biệt có nơi chạm ngưỡng -2 độ C khiến nhiều bản làng xuất hiện băng giá bao phủ.
Tại xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), khu vực được đánh giá là cao nhất tỉnh Nghệ An, rạng sáng 13/1 đã xuất hiện băng giá ở nhiều bản làng. Tại bản Sa Lầy, Mường Lống 1 của xã miền núi Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), tuyết, băng giá bao phủ trên nhiều mái nhà, rau trồng, cây cối. Nhiều diện tích cây cỏ ở các bãi trống cũng bị băng tuyết phủ trắng xóa.
Tại xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), từ đêm 12 đến rạng sáng 13/1, tại Trạm kiểm soát Biên phòng Buộc Mú (thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) và nhiều khu vực lân cận cũng xuất hiện băng giá.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo người dân địa phương, nhiệt độ có lúc xuống 0 độ C tại nhiều địa điểm trong xã Na Ngoi vào sáng sớm 13/1. Từ đêm 12 đến rạng sáng 13/1, băng mỏng đã xuất hiện trên cây cối, mái nhà, mặt đất, những tấm pin năng lượng mặt trời và các phương tiện để ngoài sân trống không có mái che ở khu vục này.
Tại huyện Quế Phong cũng xuất hiện băng giá trên diện rộng ở một số bản vùng cao của xã Tri Lễ.
Nền nhiệt giảm sâu gây rét đậm, rét hại, đặc biệt là tình trạng băng giá xảy ra đã khiến nhịp sống sinh hoạt, đi lại và lao động sản xuất của người dân vùng cao ở nhiều bản làng bị ảnh hưởng.