Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột Israel - Hamas lan rộng
"Đây là thời điểm căng thẳng sâu sắc trong khu vực. Đây là một cuộc xung đột có thể dễ dàng di căn, gây ra nhiều bất an hơn và thậm chí nhiều đau khổ hơn", VnExpress dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7/1 nói trong cuộc họp báo ở Doha cùng Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani.
Ngoại trưởng Blinken lưu ý Israel "bắt buộc phải đặt ưu tiên vào việc bảo vệ dân thường", đảm bảo mọi hành động "đều nhằm bảo vệ dân thường" và "cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở những nơi mọi người cần".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo nguy cơ xung đột Israel - Hamas lan rộng. Ảnh: AFP
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc và tình trạng người dân phải sơ tán hàng loạt ở Gaza, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh dân thường "cần được trở về nhà ngay khi điều kiện cho phép". "Họ không thể, họ không được phép bị ép rời khỏi Gaza", ông Blinken nói sau khi hai quan chức Israel trước đó nêu đề xuất nên khuyến khích người Palestine di dời.
Ngoại trưởng Blinken đến Qatar sau khi dừng chân ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ông tiếp tục đến Abu Dhabi vào cuối ngày 7/1 và sẽ đến Arab Saudi vào ngày 8/1. Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay Ngoại trưởng Blinken dự kiến gặp Thái tử Mohammed bin Salman tại thành phố sa mạc Al-Ula của Arab Saudi.
Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, nhưng Hamas cũng đặt văn phòng chính trị tại đây. Thủ tướng Qatar cho biết các cuộc đàm phán với Hamas về lệnh ngừng bắn mới ở Gaza đang "đang diễn ra" với ủng hộ từ Mỹ. Doha từng làm trung gian thiết lập lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần hồi tháng 11 năm ngoái giữa Israel và Hamas.
Thủ tướng Qatar cho hay cuộc tấn công hồi đầu tuần trước ở Lebanon khiến phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri thiệt mạng đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình hòa giải vốn phức tạp. "Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Chúng tôi đang tiến về phía trước", ông nói
Nga lên kế hoạch phóng 7 ICBM trong năm 2024
"Năm nay, Lực lượng Tên lửa chiến lược có kế hoạch tiến hành 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trong 5 năm qua, Lực lượng Tên lửa chiến lược đã thực hiện hơn 20 vụ phóng ICBM như một phần trong cuộc thử nghiệm bay các hệ thống tên lửa tiên tiến và các cuộc tập trận nhằm quản lý lực lượng vũ trang Nga", Báo điện tử VTC News dẫn thông tin do Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 7/1 (theo giờ địa phương).
Nga dự kiến sẽ phóng 7 ICBM trong năm 2024. Ảnh: Getty Images
Được biết, Nga thường thông báo cho Mỹ về các vụ phóng ICBM trước ít nhất 24 giờ và Washington cũng hành động tương tự khi có kế hoạch phóng ICBM. Hoạt động này được thực hiện khi Nga va Mỹ đang là hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tàu ngầm hạt nhân mới Hoàng đế Alexander III của họ đã phóng thành công tên lửa liên lục địa Bulava. Tên lửa được phóng từ biển Trắng, khu vực ngoài khơi phía bắc của Nga, và đã bắn trúng mục tiêu cách đó hàng nghìn km trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông.
Tên lửa Bulava dài 12m, có tầm bắn ước tính 8.000km và có thể mang tới 6 đầu đạn hạt nhân. Vũ khí này được coi là "hòn đá tảng" trong bộ ba hạt nhân của hải quân Nga.
Tên lửa Bulava là ICBM phóng từ biển của Nga, nằm trong tổ hợp phóng D-30 và được thiết kế để trang bị cho các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược (SSBN) thuộc dự án 09550, 09551 và 09552 "Borey" và "Borey-M". Tên lửa do Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva phát triển.
Ngày 10/1/2013, Bulava được nghiệm thu đưa vào hoạt động chiến đấu thử nghiệm. Vụ phóng tên lửa đạn đạo được tiến hành trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân để chống lại mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng.
Phương Uyên (T/h)