Động thái mới của Hạm đội Biển Đen Nga sau loạt vụ tập kích của Ukraine
Trang tin điện tử The Bell ở Nga dẫn các ảnh chụp vệ tinh ngày 1/10 và 2/10 được các blogger quân sự Nga chia sẻ cho thấy một số tàu lớn nhất của Hạm đội Biển Đen Nga neo tại quân cảng gần Novorossiysk ở vùng Krasnodor Krai, miền Nam nước này. Trong khi đó, các tàu nhỏ hơn neo tại cảng Feodosia ở bán đảo Crimea.
Các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đã di chuyển khỏi cảng nhà ở Crimea nhằm tránh nguy cơ bị Ukraine tập kích. Ảnh: The Times
Các tàu này gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Essen, Đô đốc Makarov, 3 tàu ngầm, 5 tàu đổ bộ cỡ lớn, một số tàu tên lửa cỡ nhỏ, các tàu dò mìn. Những tàu này vốn đồn trú ở cảng Sevastopol ở Crimea, nhưng hiện giờ đã tỏa ra 2 cảng ở Novorossiysk và Feodosia. Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận.
Gần đây, Hạm đội Biển Đen của Nga liên tục trở thành mục tiêu tập kích của Ukraine. Tháng trước, Kiev nhận trách nhiệm về các vụ tấn công vào một nhà máy sửa chữa tàu của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol khiến 1 tàu ngầm, 1 tàu đổ bộ bị hư hại. Không lâu sau đó, Ukraine tiếp tục tấn công vào trụ sở Hạm đội Biển Đen và tuyên bố cuộc tập kích khiến hàng chục sĩ quan của Nga thiệt mạng, trong đó có chỉ huy hạm đội.
Các chuyên gia nhận định, đây là một phần trong chiến lược của Kiev nhằm "phi quân sự hóa" Hạm đội Biển Đen, tiến đến giành lại bán đảo Crimea. Một nguồn tin Ukraine cũng xác nhận các cuộc tấn công Crimea, cụ thể là nhằm vào các căn cứ và tàu hải quân Nga, là một phần không thể thiếu trong cuộc phản công kéo dài hơn 4 tháng qua. Mục đích của họ là tìm cách cô lập bán đảo này, gây khó khăn cho Nga trong việc duy trì các hoạt động quân sự trên đất liền Ukraine.
Để đối phó, Nga gần đây đã có một số thay đổi về chiến thuật. Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Anh đầu tuần này cũng cho hay, Hạm đội Biển Đen của Nga đã thay đổi một số hoạt động sau các vụ tấn công gần đây của Kiev. Theo đó, một số hoạt động của hạm đội phải chuyển đến cảng Novorossiysk.
Ấn Độ sẽ thay cho MiG-21 bằng máy bay nội địa
Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ VR Chaudhari mới đây cho hay đến năm 2025 Không quân Ấn Độ sẽ ngừng sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-21 từ thời Liên Xô của mình.
Theo thông tin mới nhất từ hãng tin RT, Ấn Độ hiện đang vận hành một phi đội gồm 54 chiếc MiG-21 được mua từ Liên Xô cách đây hơn 60 năm. Phát biểu tại cuộc họp báo ở New Delhi, ông Chaudhari cho hay Không quân Ấn Độ đã đặt mua 83 máy bay chiến đấu nội địa HAL Tejas Mark 1A và sẽ đặt mua thêm 97 chiếc để thay thế một phi đội gồm 45 chiếc MiG-21 bằng ba phi đội Tejas Mark 1A.
Không quân Ấn Độ sẽ ngừng sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-21. Ảnh: Tribune India
Ông Chaudhari cho biết thêm MiG-21 sẽ tham gia chuyến bay biểu diễn cuối cùng tại cuộc triển lãm hàng không ở thành phố Prayagraj thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) vào ngày 8.10, theo Hãng tin ANI.
Những máy bay chiến đấu do Liên Xô và Nga sản xuất tạo thành xương sống của Không quân Ấn Độ, trong đó chiến đấu cơ Su-30 có số lượng nhiều nhất trong phi đội Ấn Độ. Ngoài 260 chiếc Su-30, Ấn Độ còn vận hành 75 chiếc MiG-29 và 54 chiếc MiG-21.
Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, trong đó vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga chiếm 54%, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển). Pháp cung cấp 29% vũ khí cho Ấn Độ, trong khi Mỹ cung cấp 11%.
Dù Mỹ đã cảnh báo Ấn Độ tránh mua thêm vũ khí Nga, và đã đề nghị cung cấp vũ khí Mỹ, nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn xem sản xuất vũ khí nội địa là một trong những mục tiêu cốt lõi của chính quyền New Delhi. Ngoài ra, Ấn Độ không chỉ đang chế tạo thêm máy bay chiến đấu Tejas Mark 1 và Mark 2 mà còn phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm để cạnh tranh với F-35 của Mỹ.
Phương Uyên (T/h)