Nga chuyển tên lửa phòng không S-300 từ Syria về gần Crimea
Hệ thống S-300. Ảnh minh họa
Reuters đưa tin ngày 29/8, công ty ImageSat International (ISI) đã chụp được những bức ảnh cho thấy khẩu đội phòng không S-300 hiện diện tại Masyaf, Syria vào tháng 4. Tới ngày 25/8, địa điểm này đã không có gì sau khi vũ khí được chuyển đến cảng Tartus.
Các hình ảnh khác cho thấy các bộ phận của khẩu đội tên lửa S-300 xuất hiện trên một bến tàu tại Tartus từ ngày 12 đến ngày 17/8. Đến ngày 20/8, các bộ phận này không còn ở đây và ISI kết luận rằng chúng đã được chuyển sang một tàu Nga tên là Sparta II, rời Tartus để đến cảng của Nga là Novorossiysk.
Dữ liệu từ Refinitiv Eikon cho thấy Sparta II đang ở Novorossiysk, đã đến đây qua eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận về thông tin này. Nga đã duy trì hiện diện quân sự ở Syria kể từ năm 2015.
Baghdad hứng loạt rocket, loạn lạc
Các tay súng trên đường phố Baghdad. Ảnh minh họa
Quân đội Iraq cho biết, Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, nơi có các tòa nhà công sở và đại sứ quán các quốc gia phương Tây, đã hứng một loạt rocket trong bối cảnh tình hình an ninh ở thành phố diễn biến xấu đi do bất đồng chính trị.
Chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về đợt phóng rocket. Reuters mô tả đường phố Baghdad vắng bóng người, trong khi các tay súng di chuyển qua lại liên tục trên những chiếc bán tải cùng vũ khí và súng phóng lựu. Trong đêm 29, rạng sáng 30/8, nhiều tiếng nổ lớn đã vang lên ở Baghdad.
Trước đó, truyền thông khu vực tiết lộ, các cuộc đụng độ vũ trang nổ ra từ tối 29/8 khi người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite quyền lực Moqtada al-Sadr xông vào phủ Tổng thống, kéo theo phản ứng của lực lượng an ninh, khiến ít nhất 17 người chết, hơn 350 người khác bị thương.
Đức đề xuất hình thành hệ thống phòng không chung châu Âu
Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T. Ảnh: AP
“Các nước láng giềng châu Âu nên thiết lập một hệ thống phòng không chung trong bối cảnh xung đột Ukraine và các thách thức an ninh khác xảy ra”, kênh truyền hình RT dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Đại học Charles ở Prague ngày 29/8.
“Chúng ta có rất nhiều việc để làm khi nói đến phòng thủ trước các mối đe dọa trên không và trên không gian tại châu Âu. Đó là lý do tại sao Đức sẽ đầu tư đáng kể vào hệ thống phòng không của châu Âu trong những năm tới. Đồng thời, ngay từ đầu, Đức sẽ thiết kế hệ thống phòng không trong tương lai theo cách mà các nước láng giềng châu Âu vẫn có thể tham gia nếu họ muốn. Đây cũng sẽ là một lợi thế an ninh cho châu Âu nói chung và là một ví dụ điển hình cho thấy sức mạnh trụ cột châu Âu trong khối NATO được củng cố”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng Sholz, duy trì lá chắn phòng không chung sẽ hiệu quả hơn cả về mặt chi phí thay vì từng quốc gia châu Âu tiếp tục phát triển các giải pháp phòng thủ riêng.
Mộc Miên (T/h)