Nga san bằng kho đạn dược và nhiên liệu của Không quân Ukraine
"Tại sân bay Dolgintsevo ở khu vực Dnepropetrovsk, các kho nhiên liệu và đạn dược của Không quân Ukraine đã bị phá hủy", hãng tin Sputnik dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Tại Zaporozhye, quân đội Nga cũng phá hủy một trạm gây nhiễu liên lạc. Tổng cộng, Lực lượng Vũ trang Nga đã sử dụng tên lửa, UAV và các hệ thống pháo để tiến hành tấn công vào các lực lượng và trang thiết bị của đối phương ở 107 khu vực.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Grad của Nga. Ảnh: AFP
Ukraine chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là tại Donetsk với 108 binh lính thương vong trong 24 giờ qua. Ngoài ra, Nga cũng đẩy lùi 3 cuộc tấn công của Ukraine ở Donetsk, 2 cuộc tấn công ở khu vực Krasny Liman và một cuộc tấn công ở phía Nam Donetsk.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Lực lượng Vũ trang nước này đã phá hủy 483 chiến đấu cơ của Ukraine, 250 trực thăng, 7.359 UAV, 439 tên lửa đất đối không, 12.266 xe tăng và xe bọc thép, 1.159 hệ thống tên lửa phóng loạt, 6.623 súng cối và pháo dã chiến cùng 13.700 phương tiện quân sự đặc biệt kể từ khi xung đột nổ ra. Phía Ukraine hiện chưa bình luận về những số liệu này.
Trong khi đó, các lực lượng của Kiev cho biết họ đã sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường chính xác nhắm trực tiếp vào một phương tiện dường như là xe tăng T-62M của Nga dọc tiền tuyến. Ngày 2/10, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đã tổn thất 4 xe tăng chiến đấu chủ lực trong 24 giờ qua, đưa số tổng số xe tăng mà Moscow tổn thất trong xung đột lên đến 4.691.
Theo hãng tin tình báo nguồn mở Hà Lan Oryx, Nga đã tổn thất 83 xe tăng T-62 các phiên bản khác nhau, trong đó có 64 xe tăng T-62M. Từ đầu năm 2023, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, quân đội Nga có khoảng 1.800 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó có 150 xe tăng T-62M và T-62MV.
Liên Hợp Quốc chấp thuận triển khai lực lượng an ninh chống băng đảng Haiti
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 2/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết do Mỹ và Ecuador soạn thảo và ủy quyền cho phái bộ Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia "thực hiện tất cả biện pháp cần thiết", trong đó có sử dụng vũ lực, nhằm giúp Haiti chống lại các băng đảng đang chiếm phần lớn thủ đô Port-au-Prince.
Hội đồng Bảo an cũng mở rộng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với tất cả băng đảng tại Haiti, vốn trước đây chỉ áp dụng với các cá nhân cụ thể. Các quan chức Haiti cho biết các băng đảng tại nước này chủ yếu sử dụng súng có xuất xứ từ Mỹ.
Cảnh sát Haiti nỗ lực trấn áp băng đảng tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: Reuters
Phái đoàn hỗ trợ an ninh cho Haiti được Hội đồng Bảo an phê duyệt không thuộc Liên Hợp Quốc. Cơ quan này năm 2004 triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Haiti, sau đó rút quân vào năm 2017. Cảnh sát Liên Hợp Quốc sau đó thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình tại Haiti rồi rời đi vào năm 2019.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hồi tháng 8 nói với Hội đồng Bảo an rằng triển khai lực lượng cảnh sát đa quốc gia và sử dụng tài sản quân sự là cần thiết để khôi phục luật pháp cùng trật tự ở Haiti, cũng như giải giáp các băng đảng tại nước này.
Haiti năm ngoái đề nghị giúp đỡ trấn áp các băng đảng đang hoành hành tại nước này. Tuy nhiên, việc đáp ứng đề nghị của Haiti gặp khó khăn khi các bên gặp khó khăn trong tìm kiếm một quốc gia sẵn sàng lãnh đạo sứ mệnh hỗ trợ an ninh cho Haiti.
Các băng nhóm tại Haiti hoạt động mạnh hơn sau vụ ám sát cố tổng thống Jovenel Moise, được cho là đang kiểm soát tới 80% diện tích thủ đô Port-au-Prince. Những vụ giết người, cưỡng hiếp và bắt cóc tại Haiti gần đây gia tăng khiến nhiều nhóm dân phòng tại nước này hành động mạnh tay, giết gần 200 người bị nghi là thành viên băng đảng kể từ tháng 4.
Phương Uyên (T/h)