Nga tuyên bố phá hủy 355 tiêm kích của Ukraine
Tiêm kích MiG-29 của Ukraine. Ảnh: AP
"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, tổng cộng 355 máy bay chiến đấu, 199 trực thăng, 2.794 UAV, 399 hệ thống tên lửa phòng không, 7.366 xe tăng và xe bọc thép, 957 hệ thống tên lửa phóng loạt, 3,763 pháo dã chiến và súng cối, cùng 7.876 phương tiện quân sự đặc biệt đã bị phá hủy", Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay.
Ông Igor Konashenkov cũng cho biết Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga đã phá hủy 1 lựu pháo tự hành Krab do Ba Lan sản xuất ở khu vực Kherson. Ngoài ra, 4 lựu pháo D-30 của Ukraine cũng đã bị phá hủy tại các vị trí khai hỏa gần Serebryanka ở khu vực nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR).
Mỹ bác tin thảo luận tập trận hạt nhân chung với Hàn Quốc
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters
“Không”, hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 2/1, khi được hỏi liệu ông có đang thảo luận với giới lãnh đạo Hàn Quốc về việc tổ chức những cuộc diễn tập hạt nhân chung ở thời điểm hiện tại hay không.
Theo Anadolu, lời khẳng định trên của ông Biden đã bác bỏ tuyên bố trước đó của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về việc Washington và Seoul đang có những cuộc thảo luận tổ chức các cuộc tập trận chung có sử dụng đến vũ khí hạt nhân.
“Chiếc ô hạt nhân và ‘răn đe mở rộng’ đã không còn đủ để trấn an người dân Hàn Quốc. Điều mà chúng tôi gọi là ‘răn đe mở rộng’ ở đây nghĩa là phía Mỹ nói với chúng tôi đừng lo lắng bởi họ sẽ lo mọi thứ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó rất khó thuyết phục được người dân Hàn Quốc. Chính phủ Mỹ cũng hiểu điều này ở một số mức độ”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo.
Mỹ tái triển khai quân đến Somalia
Binh sĩ Mỹ. Ảnh: TTXVN
Ngày 2/1, Mỹ đã quyết định tái triển khai 500 binh sĩ tới Somalia để hỗ trợ cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố tại đây.
Việc tái triển khai quân này được đưa ra sau 2 năm gián đoạn, kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút quân vào tháng 12/2020.
Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Phi (Africom) cho biết họ sẽ duy trì "sự hiện diện quân sự nhỏ, liên tục của Mỹ" ở Somalia. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Somalia phải hứng chịu nhiều hơn các cuộc tấn công của các lực lượng thánh chiến Hồi giáo kể từ khi quân đội Mỹ rời đi.
Mộc Miên (T/h)