Israel, Hamas hoài nghi khả năng đạt lệnh ngừng bắn ở Gaza
VnExpress đưa tin, ông Basem Naim - lãnh đạo chính trị của Hamas ở Dải Gaza ngày 27/2 thông báo lực lượng này chưa nhận được đề xuất chính thức nào về lệnh ngừng bắn sau cuộc họp tại Paris của đại diện một số bên liên quan xung đột Gaza vào cuối tuần trước.
Sau cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hy vọng rằng các bên sẽ đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza từ ngày 4/3. Tuy nhiên, ông Naim cho rằng hy vọng này là "quá sớm và không phù hợp với thực tế".
Ông Ahmad Abdel-Hadi - đại diện của Hamas ở Lebanon, cũng nói với truyền thông địa phương rằng các bên chưa đạt được bất cứ tiến triển nào khi tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn.
Trả lời Reuters, các quan chức Israel giấu tên cũng bất ngờ trước bình luận của ông Biden, cho rằng Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố mà không trao đổi với các lãnh đạo nước này. Trong cuộc phỏng vấn với NBC ngày 26/2, Tổng thống Biden cho biết Israel đã đồng ý đình chiến ở Dải Gaza trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, kéo dài từ 10/3 đến 8/4.
Nhà Trắng hôm 26/2 thông báo đại diện của một số bên, không bao gồm Hamas, đã gặp nhau ở Paris cuối tuần qua và "đạt đồng thuận về nội dung cơ bản của thỏa thuận ngừng bắn để trao đổi con tin lấy tù nhân".
Theo nguồn thạo tin, dự thảo thỏa thuận sẽ tạo điều kiện sửa chữa các bệnh viện và xưởng bánh ở Gaza, đưa 500 xe tải chở hàng viện trợ vào dải đất mỗi ngày, trao đổi tù nhân Palestine lấy con tin Israel theo tỷ lệ 10:1
Quân đội Mỹ cắt giảm 24.000 binh sĩ
“Chúng tôi đang cố gắng tách rời chủ nghĩa chống khủng bố và chống nổi dậy. Chúng tôi hiện đã sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu quy mô lớn”, báo điện tử VTC News dẫn lời người đứng đầu lực lượng lục quân Mỹ Christine Wormuth hôm 27/2 cho biết.
Việc cắt giảm sẽ khiến số lượng quân đội Mỹ từ 494.000 quân giảm xuống còn 470.000 quân vào năm 2029. Những vị trí cắt giảm quân đều không còn phù hợp với những cuộc chiến tương lai và nhu cầu giảm đi sau khi xung đột ở Iraq và Afghanistan kết thúc.
Quân đội Mỹ cắt giảm 24.000 binh sĩ. Ảnh: EurAsian Times
Thời gian qua, Mỹ đã tìm cách cắt giảm khoảng 32.000 binh sĩ, trong đó có khoảng 3.000 lực lượng hoạt động đặc biệt và 10.000 lực lượng thuộc các đội chiến đấu của lữ đoàn Stryker, phi đội kỵ binh, đội chiến đấu của lữ đoàn bộ binh và lữ đoàn hỗ trợ lực lượng an ninh.
Ngoài ra, quân đội nước này còn có kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm của các kỹ sư và vị trí liên quan đến nhiệm vụ chống nổi dậy. Đồng thời, quân đội Mỹ cũng cắt giảm số thực tập sinh, sinh viên trong các trường quân đội.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ lại không yêu cầu những người lính hiện tại xuất ngũ. Khi Mỹ xây dựng sức mạnh hậu phương trong vài năm tới, sẽ cần tăng số lượng binh sĩ trong hầu hết các đơn vị quân sự.
Kế hoạch tái cơ cấu quân đội Mỹ cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm 7.500 quân vào một số nhiệm vụ quan trọng hơn. Ví dụ như các đơn vị phòng không và tác chiến không người lái, cùng 5 lực lượng đặc nhiệm mới để nâng cao hoạt động tình báo, tác chiến mạng và tấn công tầm xa.
Việc Mỹ cắt giảm binh lính phản ánh những khó khăn của quân đội trong việc tuyển dụng. Quân đội Mỹ trong thập kỷ qua đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt tuyển dụng, không đạt mục tiêu hàng năm về số người nhập ngũ mới. Năm 2023, chỉ có lực lượng thủy quân lục chiến và lực lượng không gian đạt mục tiêu tuyển dụng, trong khi quân đội thiếu 15.000 người so với mục tiêu 65.000 người đặt ra trước đó.
Phương Uyên (T/h)