Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Ảnh: RT
Ngày 23/9, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã cập cảng Busan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 390 km về phía Nam.
Kể từ năm 2018, đây là lần trở lại Hàn Quốc đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ, trong một động thái được cho là nhằm mục đích răn đe Triều Tiên, theo hãng tin Reuters.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville và tàu khu trục USS Barry.
Mỹ - Ấn Độ hợp tác sản xuất máy bay không người lái
Máy bay không người lái. Ảnh minh hoạ
Ngày 22/9, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ và Ấn Độ sẽ hợp tác chế tạo máy bay không người lái, trong bối cảnh Washington muốn thắt chặt quan hệ với New Delhi.
Vị quan chức đồng thời nói rằng Ấn Độ sẽ sản xuất máy bay không người lái để xuất khẩu sang các nước xung quanh. New Delhi đang muốn đa dạng hoá vũ khí và thiết bị quân sự để giảm bớt phụ thuộc vào Nga, đồng thời muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ căng thẳng trong một thời gian, nhưng đã được cải thiện từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi hai bên đều chia sẻ những lo ngại chung về an ninh khu vực.
Iran tập trận cùng Nga và Trung Quốc
Tàu chiến của Iran và Nga. Ảnh minh hoạ
Ngày 23/9, phát biểu trước báo chí tại Tehran, Tướng Bagheri cho biết Hải quân Iran sẽ tham gia các cuộc tập trận chung với tàu chiến của Nga và Trung Quốc vào mùa Thu này.
Ông Bagheri không cung cấp nhiều thông tin chi tiết về các cuộc diễn tập sắp tới, song tiết lộ một số quốc gia khác như Oman và Pakistan cũng có thể tham gia.
Đây sẽ là cuộc tập trận chung thứ tư của hải quân Iran, Nga và Trung Quốc kể từ năm 2019 và là sự kiện đầu tiên kể từ khi tình hình ở Ukraine leo thang.
Trước đó, hồi tháng 1/2022, 11 tàu của Iran, 3 tàu chiến của Nga và 2 tàu chiến của Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận chung ở phía Bắc Ấn Độ Dương.
Mộc Miên (T/h)