Ukraine từ chối nhận lô xe tăng Leopard 1 của Đức
Theo thông tin quân sự mới nhất do tờ Der Spiegel đăng tải, Ukraine đã từ chối nhận 10 chiếc xe tăng Leopard 1 của Đức trong buổi lễ bàn giao ở thành phố Rzeszów, Ba Lan, khi phát hiện những chiếc xe này bị hư hỏng và Kiev không có đủ kỹ sư, linh kiện thay thế để tự sửa chữa.
Berlin sau đó cử một đội kỹ thuật tới để kiểm tra lô xe, kết luận rằng chúng bị xuống cấp trong quá trình huấn luyện cho binh sĩ Ukraine tại Đức và cần được bảo dưỡng trước khi đưa ra chiến trường. Bộ Quốc phòng Đức cho biết hai nước đang phối hợp để sửa chữa lại lô xe.
Xe tăng Leopard 1 của Đức. Ảnh: Getty Images
Được biết, đây là lô Leopard 1 thứ hai mà Đức chuyển giao cho Ukraine từ đầu chiến sự. Berlin hồi đầu năm cam kết phối hợp với Hà Lan và Đan Mạch để cung cấp cho Kiev hơn 100 chiếc Leopard 1 đã được tân trang. Một số chiếc trong lô đầu tiên mà Đức bàn giao cho Ukraine hồi tháng 7 cũng gặp vấn đề về kỹ thuật tương tự lô thứ hai.
Xe tăng Leopard 1 do hãng Porsche phát triển vào những năm 1960, với hơn 4.700 chiếc đã xuất xưởng. Leopard 1 nặng 42,2 tấn, được trang bị pháo với rãnh khương tuyến L7A3 105 mm, hai súng MG-3 hoặc FN MAG, có thể đạt tốc độ tối đa 65 km/h với tầm hoạt động 450-600 km.
Đức đã loại biên Leopard 1 vào năm 2003 và đang thiếu kỹ sư biết vận hành dòng xe này, nên phải nhờ binh sĩ Hà Lan và Đan Mạch hỗ trợ trong quá trình đào tạo kíp lái Ukraine. Tuy nhiên, nhiều quan chức Đức cho rằng Leopard 1 có thể là lựa chọn thay thế hữu ích cho Leopard 2A6, mẫu xe tăng chủ lực có giá đắt hơn nhiều lần với số lượng sẵn có không cao.
Đức trước đó đã phải rút trực tiếp 18 chiếc Leopard 2A6 trong biên chế để viện trợ cho Ukraine, dù quân đội Đức cũng cần mẫu xe tăng này. Một số chuyên gia phương Tây nhận định Leopard 1 vẫn có sức mạnh vượt trội so với các mẫu xe tăng chủ lực thời Liên Xô như T-72 của Nga, thêm rằng chúng sẽ phát huy hiệu quả sau khi được tân trang.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm Iran
Truyền thông Nga đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thăm Iran vào ngày 19/9 để dự các cuộc họp nhằm tăng cường mối quan hệ quốc phòng của Moscow với Tehran.
"Tôi coi cuộc gặp của chúng ta là một bước nữa nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Iran. Hôm nay chúng ta có cơ hội thảo luận chi tiết các vấn đề thời sự trong hợp tác quân sự song phương. Iran là đối tác chiến lược của Nga ở Trung Đông”, ông Shoigu nói trong cuộc gặp với Tham mưu trưởng Quân đội Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri, vào ngày 19/9 tại thủ đô Tehran.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tham mưu trưởng Quân đội Iran Mohammad Bagheri trong lễ đón tại Tehran. Ảnh: Reuters.
Đáp lời, tướng Bagheri nói rằng, Iran nỗ lực phát triển quan hệ lâu dài với Nga. "Như ông đã biết, hai bên đang soạn thảo thỏa thuận hợp tác lâu dài, trong đó bao gồm hợp tác kỹ thuật - quân sự. Điều này sẽ đặt nền tảng tốt cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước", ông Bagheri nói.
Sputnik đưa tin, 2 quan chức quân sự đã thảo luận về sự phát triển tích cực và năng động của mối quan hệ Moscow - Tehran trong lĩnh vực quân sự, bao gồm việc bán vũ khí và huấn luyện. Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề thời sự, trong đó vấn đề ưu tiên là sự bùng phát xung đột gần đây giữa Azerbaijan và Armenia, 2 nước láng giềng của Nga và Iran.
Cũng trong ngày 19/9, Azerbaijan tuyên bố phát động "chiến dịch chống khủng bố địa phương" ở khu vực đòi ly khai Nagorno-Karabakh để khôi phục trật tự hiến pháp bằng cách giải giáp và buộc các đơn vị quân đội Armenia đóng tại đây phải rút lui.
Hồi tháng 8, nhóm BRICS, trong đó có Nga là thành viên, đã đồng ý kết nạp thêm một số quốc gia mới, trong đó có Iran. Năm 2022, Iran cũng gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối Á - Âu bao gồm các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ…
Phương Uyên (T/h)