Nga đưa hệ thống trinh sát Penicillin tới Ukraine
Tổ hợp trinh sát pháo binh Penicillin. Ảnh: Vector
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 17/12 dẫn một nguồn tin cho biết, quân đội Nga đã nhận được lô hệ thống trinh sát tiên tiến có tên “Penicillin”. Hệ thống mới này dự kiến được triển khai ở Ukraine.
Thiết bị này có thể “phát hiện hiệu quả vị trí của pháo binh Ukraine và truyền tọa độ để tiêu diệt chúng ngay lập tức”.
Một nguồn tin khác nói rằng thiết bị theo dõi pháo binh Penicillin đã chứng tỏ giá trị của chúng trong cuộc xung đột ở Ukraine, vì chúng có thể nhắm mục tiêu vào hệ thống pháo mà NATO cung cấp cho Kiev cũng như các hệ thống khác.
Hệ thống trinh sát Penicilin cũng có thể phát hiện các hệ thống tên lửa và phòng không, đồng thời ghi sóng âm và sóng hồng ngoại. Điều này cung cấp cho người điều khiển tọa độ chính xác để xác định vị trí khai hỏa của đối phương. Thời gian cần thiết để định vị một mục tiêu không quá 5 giây.
Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo ra biển
Ảnh minh họa
Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, quân đội nước này đã phát hiện hai vụ phóng tên lửa được phía Triều Tiên tiến hành tại khu vực Tongchang-ri thuộc tỉnh Bắc Pyongan lần lượt vào lúc 11h13 và 12h05 trưa 18/12 (giờ địa phương). Các tên lửa này sau đó đã bay được 500km.
“Các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành phân tích các chi tiết về quãng đường bay và độ cao của hai quả tên lửa được Triều Tiên phóng đi. Những vụ phóng tên lửa này được coi là hành động khiêu khích làm suy yếu nền hòa bình và sự ổn định của bán đảo Triều Tiên, đồng thời vi phạm những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi yêu cầu Bình Nhưỡng ngay lập tức chấm dứt hành động này”, thông cáo của JSC viết.
Iran đạt tiến bộ lớn trong năng lực làm giàu urani
Bên trong một cơ sở làm giàu urani ở Iran.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho biết "năng lực làm giàu urani hiện nay của Iran đã tăng lên hơn 2 lần so với trước đây".
Theo ông Eslami "hoạt động sản xuất năng lượng và điện hạt nhân giúp đất nước tiết kiệm lớn về kinh tế, đồng thời giúp giảm hiệu quả lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và không tái tạo, cũng như các vấn đề về môi trường".
Ngày 14/12, IAEA cho biết sẽ cử một phái đoàn các chuyên gia kỹ thuật tới Iran vào ngày 18/12, trong nỗ lực giải quyết bế tắc liên quan vấn đề phát hiện các dấu vết urani tại các cơ sở mà Tehran chưa từng công bố. Giám đốc IAEA Rafael Grossi dự kiến không tham gia chuyến đi lần này.
Mộc Miên (T/h)