Ukraine huy động phụ nữ nhập ngũ
Theo thông tin quân sự mới nhất từ tờ Kyiv Independent, đại diện của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tại Quốc hội - ông Fedir Venislavskyi cho biết, tất cả phụ nữ Ukraine có bằng cấp về y và dược phải đăng ký nghĩa vụ quân sự kể từ ngày 1/10 tới.
Như vậy, điều này có nghĩa là tất cả những phụ nữ trên, giống như nam giới Ukraine trong độ tuổi từ 18 tới 60 sẽ không thể rời đất nước nếu không có sự cho phép đặc biệt.
Ukraine huy động phụ nữ nhập ngũ. Ảnh: Getty Images
Luật quân sự của Ukraine quy định những phụ nữ có bằng cấp về y và dược sẽ phải ở lại Ukraine vì họ có thể được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp miễn trừ đối với quy định này, ví dụ, ai đó vẫn còn là sinh viên hay trong tình trạng sức khỏe nhất định.
Ông Fedir Venislavskyi nói thêm, động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Ukraine sửa đổi luật huy động quân hồi năm ngoái, vốn cho phép phụ nữ thuộc các ngành nghề như luật sư, lập trình viên, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, kế toán, nhà báo, nhà quay phim, nhà khoa học, bác sĩ thú ý và nhà quản lý có thể tự nguyện nhập ngũ.
"Nếu đăng ký, phụ nữ sẽ có tư cách thực hiện nghĩa vụ quân sự và bị ràng buộc bởi những hạn chế đi lại có liên quan", quan chức trên nói đồng thời lưu ý rằng hiện Ukraine không có kế hoạch mở rộng danh sách các chuyên ngành theo lệnh đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Chính quyền Niger cáo buộc Pháp chuẩn bị can thiệp quân sự
“Pháp tiếp tục triển khai lực lượng tại một số quốc gia thuộc Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) như một phần của quá trình chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào Niger mà Pháp đang lên kế hoạch phối hợp với tổ chức này", đại tá Amadou Abdramane - phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình ngày 9/9.
Đại tá Amadou Abdramane phát biểu trên truyền hình ngày 9/8. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, ông Abdramane không đưa ra bất kỳ bằng chứng cho thấy Pháp triển khai lực lượng tới các nước ECOWAS, cũng không cho biết cụ thể quy mô triển khai.
Bộ Ngoại giao Pháp hồi đầu tháng 8 từng ra tuyên bố ủng hộ ECOWAS lật ngược đảo chính, khôi phục nền dân chủ ở Niger. Pháp không nói rõ liệu sự ủng hộ của họ có đi kèm hỗ trợ quân sự cho cuộc can thiệp của ECOWAS vào Niger hay không.
Pháp duy trì khoảng 1.500 quân ở Niger để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan. Quan hệ song phương lao dốc sau khi quân đội đảo chính lật đổ ông Bazoum cuối tháng 7. Pháp tuyên bố ủng hộ Tổng thống bị lật đổ, từ chối công nhận chính quyền quân sự.
Chính quyền quân sự Niger ngày 3/8 hủy các thỏa thuận quân sự với Pháp, tuyên bố trục xuất đại sứ Pháp Sylvain Itte và rút quyền miễn trừ ngoại giao của ông. Pháp từ chối thực hiện yêu cầu, nói rằng chính quyền hiện tại không có quyền hợp pháp để trục xuất đại sứ.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Pháp đầu tuần này nói rằng Paris đang đàm phán với Niger về "rút một phần lực lượng" khỏi quốc gia Tây Phi. Nguồn tin không tiết lộ hình thức, quy mô hay thời gian cụ thể. Động thái diễn ra trong bối cảnh binh sĩ Pháp tại Niger đã án binh bất động, sau khi hoạt động hợp tác chống khủng bố bị đình chỉ hồi đầu tháng 8.
Phương Uyên (T/h)