Israel lần đầu dùng tên lửa tối tân đánh chặn mục tiêu
“Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phóng thành công tên lửa đánh chặn Arrow 3 trong lần đầu vận hành vào tối nay. Tên lửa đánh chặn hiệu quả mục tiêu được phóng tới Israel trên khu vực Biển Đỏ", Bộ Quốc phòng Israel và IDF cho biết trong thông cáo ngày 9/11.
Đây là lần đầu tiên tên lửa Arrow 3 đánh chặn mục tiêu từ khi Israel triển khai tổ hợp vào năm 2017, Bộ Quốc phòng Israel và IDF cho biết. "Thành tựu này tiếp nối thành công gần đây trong lần đánh chặn đầu tiên của Arow 2 diễn ra vào tuần trước", thông cáo của Israel nêu.
Tên lửa Arrow 3. Ảnh: Getty Images
Israel phát triển dòng tên lửa Arrow từ giữa những năm 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran, chương trình này tiêu tốn hàng tỷ USD. Tên lửa Arrow 2 phát nổ để phá hủy mục tiêu trong khi Arrow 3 không sử dụng thuốc nổ mà có khả năng cơ động cao để đón đầu và phá hủy mục tiêu bằng động năng. Hệ thống Arrow 3 được cho là có tầm bắn 2.400 km và đánh chặn được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km.
Tel Aviv đưa ra thông báo trong bối cảnh nhóm Houthi ở Yemen liên tục tuyên bố tập kích Israel để yêu cầu nước này dừng chiến dịch nhằm vào Hamas. Yahya Saree, phát ngôn viên Houthi, ngày 9/11 cho biết nhóm đã phóng loạt tên lửa đạn đạo vào nhiều mục tiêu tại Israel. Ông Saree khẳng định đợt phóng tên lửa đã thành công, các mục tiêu "trúng đòn trực tiếp"
Houthi được nhận định có thể mở ra mặt trận mới trong lúc Israel tiến công Dải Gaza. Nhóm này ngày 8/11 bắn rơi một UAV Mỹ ngoài khơi Yemen với cáo buộc nó tiến hành hoạt động do thám, trinh sát thù địch bên trên lãnh hải Yemen và phục vụ nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Israel. Mỹ xác nhận mất UAV nhưng khẳng định nó hoạt động ở không phận quốc tế.
Mỹ, Nhật tập trận tàu sân bay ở Thái Bình Dương
Cuộc tập trận có sự tham gia của một số tàu chiến lớn nhất thế giới, trong đó có tàu sân bay Carl Vinson, tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ, cùng với sự tham gia của tàu khu trục trực thăng JS Hyuga của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản.
Tàu sân bay lớp Carl Vinson và Ronald Reagan tham gia tập trận. Ảnh: Hải quân Mỹ
Cuộc tập trận diễn ra ở biển Philippines từ ngày 4 - 8/11, nhằm thể hiện khả năng phối hợp tác chiến, nâng cao khả năng nhanh chóng tập trung lực lượng trong của hải quân Mỹ - Nhật khi có khủng hoảng. Đây cũng là lần thứ 2 tàu chiến Mỹ và Nhật Bản tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay. Hồi tháng 6, các tàu sân bay Ronald Reagan cùng với tàu JS Izumo của Nhật Bản tham gia vào tập trận tương tự.
Đại úy hải quân Mỹ Matthew Thomas - chỉ huy tàu Carl Vinson cho biết, các tàu và máy bay tham gia tập trận thực hiện nhiều nhiệm vụ huấn luyện khác nhau, bao gồm diễn tập phòng không, giám sát trên biển, chiến thuật phản công phòng không và diễn tập phối hợp tác chiến.
Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Carlos Sardiello, chỉ huy nhóm tác chiến 1 của hải quân Mỹ nói rằng cuộc tập trận nhằm mục đích “trình diễn về cách hai bên có thể nhanh chóng chuyển sang điểm khủng hoảng và phối hợp tác chiến". Theo chỉ huy của tàu sân bay Ronald Reagan, Đại úy Daryle Cardone, cải thiện khả năng tương tác giữa hải quân Mỹ và các lực lượng Nhật Bản cũng là mục tiêu chính của cuộc tập trận.
Tháng trước, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Kyushu và Okinawa cũng như đảo Hokkaido nhằm diễn tập quá trình bảo vệ các hòn đảo ở xa. Cuộc tập trận chung có sự tham gia của khoảng 6.400 binh sĩ. Theo đài truyền hình Nhật Bản, cuộc tập trận được tiến hành nhằm đối phó với các hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Phương Uyên (T/h)