“Tổng số tiền cung cấp cho Ukraine kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra đã vượt quá 60 tỷ USD và đó không chỉ là hỗ trợ an ninh; đó là hỗ trợ kinh tế, tài chính và nhân đạo. Chúng tôi đã sử dụng khoảng 96% ngân sách", người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói trong một cuộc họp báo.
Phát ngôn viên Kirby nhắc lại rằng Mỹ vẫn hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm viện trợ. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng đưa ra nhận xét tương tự khi thảo luận về việc gói viện trợ an ninh trị giá 425 triệu USD cho Ukraine được công bố vào tuần trước.
“Chúng tôi đang bắt đầu cung cấp cho Ukraine các gói viện trợ nhỏ hơn để mở rộng khả năng hỗ trợ Ukraine của chúng tôi lâu nhất có thể”, bà Jean-Pierre cho biết.
Ông John Kirby nói Mỹ đã dùng hết 96% ngân sách viện trợ Ukraine. Ảnh: AFP
Mỹ là hiện quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ chiến sự với Nga nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Tính đến nay, Washington đã rót khoảng 44 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất lên quốc hội nước này gói ngân sách an ninh trị giá gần 106 tỷ USD.
Nhà Trắng muốn qua gói này cung cấp thêm cho Ukraine 61 tỷ USD, 14 tỷ USD cho Israel và 31 tỷ USD còn lại sẽ được chi cho việc đối phó với Trung Quốc, củng cố năng lực quốc phòng các đồng minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, Ukraine và Israel.
Tuy nhiên, đề xuất trên vẫn chưa được thông qua do vấp phải sự phản đối của nhiều nhà lập pháp bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử Mike Johnson. Ông Johnson tuyên bố viện trợ sẽ đến Ukraine trong thời gian ngắn nhưng nhấn mạnh rằng các chính sách an ninh biên giới cứng rắn hơn của Mỹ phải được ưu tiên.
“Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề biên giới ở Ukraine thì chúng ta cũng cần phải quan tâm đến biên giới của Mỹ”, ông Johnson giải thích.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài được cho là đã làm dấy lên lo ngại về tâm lý mệt mỏi ở Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định Washington sẽ hỗ trợ Kiev lâu nhất có thể. Song, giới phân tích nhận định chiến dịch tranh cử Tổng thống đang ngày càng nóng lên ở Mỹ có thể tác động đến cam kết này của chính quyền ông Biden.
Trong khi đó, sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc viện trợ Ukraine cũng được cho là đang ngày càng giảm sút. Theo kết quả của một cuộc thăm dò do Gallup công bố tuần trước, 61% người Mỹ trưởng thành nói rằng "nên có giới hạn thời gian" đối với viện trợ của Mỹ cho Ukraine và chỉ có 37% cho rằng Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ "miễn là Ukraine yêu cầu".
Phương Uyên (Theo Newsweek)