Tin tức quân sự mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức quân sự mới nhất ngày 25/9 trên trang Đời sống & Pháp luật
Mỹ sở hữu tân vũ khí là "khắc tinh" của UAV?
Hệ thống Phaser thử nghiệm tại Mỹ năm 2018. Ảnh: USAF. |
Lầu Năm Góc công bố hợp đồng trị giá 16,3 triệu USD hôm 23/9, trong đó yêu cầu tập đoàn Raytheon chế tạo một nguyên mẫu vũ khí vi sóng Phaser để triển khai ở "khu vực bí mật ngoài lãnh thổ Mỹ". Quá trình thử nghiệm thực tế dự kiến kéo dài không dưới 12 tháng và kết thúc trước ngày 20/12/2020.
Đây được coi là biện pháp nhằm cải thiện khả năng đối phó mối đe dọa từ máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ, được thể hiện qua vụ tấn công hai nhà máy dầu của tập đoàn Aramco ở đông bắc Arab Saudi hôm 14/9. "Cuộc tập kích khiến những lo ngại về UAV tăng gấp nhiều lần", đại diện giấu tên của Raytheon cho biết.
Phaser là bộ phát vi sóng định hướng công suất cao, được đặt trong một container thương mại. Raytheon cho biết mục tiêu của hãng là thu nhỏ Phaser thành tổ hợp chống UAV cỡ nhỏ, có thể dễ dàng được binh sĩ vận chuyển trên chiến trường.
Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản tập trận hải quân lớn
Tàu của Hải quân Nhật Bản tại căn cứ Yokosuka ở tỉnh Kanagawa. Ảnh: Getty |
Ngày 25/9, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mang tên Malabar lần thứ 23 ở ngoài khơi thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki của Nhật Bản.
Tham gia cuộc tập trận kéo dài 10 ngày này, Ấn Độ cử khinh hạm tàng hình INS Sahyadari 6.100 tấn, tàu hộ vệ tác chiến chống ngầm INS Kiltan và máy bay tuần tra biển tầm xa Poseidon-8I. Một nguồn tin quốc phòng cho biết đây là lần đầu tiên Ấn Độ cử một trong các máy bay P-8I của nước này đến Nhật Bản.
Trong khi đó, Mỹ triển khai tàu khu trục USS McCampbell, tàu chiến đổ bộ USS Green Bay và tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân Los Angeles.
Về phần mình, Nhật Bản điều tàu chở trực thăng lớp Izumo 27.000 tấn JS Kaga, tàu khu trục Samidare và tàu tuần dương Chokai.
Đài Loan ra mắt máy bay huấn luyện siêu âm
Nguyên mẫu Dũng Ưng trong lễ ra mắt hôm 24/9. Ảnh: Kyodo. |
Trong lễ ra mắt nguyên mẫu máy bay Dũng Ưng được tổ chức hôm qua ở thành phố Đài Trung, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ca ngợi dự án này không chỉ thúc đẩy việc giao thương toàn cầu trong quá trình sản xuất phi cơ, mà còn tạo ra nhiều việc làm và tận dụng nhân tài trên hòn đảo.
"Nếu vẫn dựa vào máy bay huấn luyện nhập từ nước ngoài, khả năng nghiên cứu và phát triển khí tài quân sự của Đài Loan sẽ có rất ít cơ hội tồn tại", bà Thái Anh Văn phát biểu trong buổi lễ.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết những chiếc Dũng Ưng sẽ thay thế phi đội máy bay huấn luyện AT-3 và F-5E/F Tiger II già cỗi do Mỹ sản xuất trong biên chế hòn đảo này. Máy bay sẽ có trang thiết bị tương tự tiêm kích F-16, giúp phi công làm quen và tích lũy kinh nghiệm trước khi vận hành các chiến đấu cơ chuyên biệt.
Đài Bắc đã đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD cho dự án này từ năm 2017 với mục tiêu sở hữu ít nhất 66 phi cơ trước năm 2026.
Mộc Miên (T/h)