Tu-22M3 Nga lần đầu bay tới Syria
Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga. Ảnh: Sputnik
Ngày 25/5, máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-22M3 phiên bản nâng cấp của Nga đã lần đầu tiên bay tới căn cứ không quân Khmeimim của Nga tại Syria, sau đợt tu sửa và kéo dài đường băng thứ hai tại căn cứ này.
Được chế tạo từ thời kỳ Liên Xô, máy bay Tu-22M3 đã nhiều lần trải qua quá trình hiện đại hóa sâu rộng. Trước đây, Tu-22M3 đều xuất kích từ Nga để bay tới Syria thực hiện một số nhiệm vụ nhất định. Tuy nhiên, giờ đây máy bay sẽ đóng tại căn cứ Khmeimim nằm bên bờ Địa Trung Hải.
Với việc tu sửa căn cứ Khmeimim, bao gồm lắp đặt thiết bị chiếu sáng và vô tuyến mới, tất cả các loại máy bay đang biên chế trong lực lượng vũ trang Nga giờ đây có thể cất cánh và hạ cánh tại căn cứ này.
Israel thừa nhận Iron Dome bắn nhầm đồng đội
Hệ thống phòng thủ Iron Dome.
Ngày 25/5, Lực lượng quốc phòng Israel (IDF) tuyên bố: "Là một phần trong cuộc giao tranh, một máy bay không người lái (UAV) Skylark đã bị hệ thống Iron Dome bắn rơi trong đợt chiến đấu với Hamas ở Gaza. Sự việc đang được điều tra".
Hiện không rõ thời điểm sự việc xảy ra vụ việc và Iron Dome của Israel đã bắn hạ tổng cộng bao nhiêu UAV trong 11 ngày giao tranh với Hamas. Tuy nhiên, hôm 17/5, IDF tuyên bố hệ thống này lần đầu bắn hạ UAV đối phương trong chiến đấu, sau đó một số vụ bắn hạ nữa cũng đã được Iron Dome thực hiện thành công.
Trước đó, chính Iron Dome từng nhiều lần cướp cò và bắn thẳng xuống mặt đất với nguyên nhân không thực sự rõ ràng.
Nga và Trung Quốc thiết lập kỷ nguyên hợp tác mới về không gian
Tên lửa đẩy Proton-M ở sân bay vũ trụ Baikonur, Nga. Ảnh: Sputnik
Ông Alexander Bloshenko, Giám đốc điều hành phụ trách các chương trình phát triển và khoa học tại Cơ quan Vũ trụ Liên bang Roscosmos, cho biết, trong tương lai Trung Quốc và Nga sẽ thiết kế các quy trình kỹ thuật cho tàu vũ trụ của hai nước để cho phép chúng kết hợp với nhau khi thực hiện các sứ mệnh không gian.
Sputnik dẫn lời ông Alexander Bloshenko ngày 26/5 tuyên bố: “Các bên đã nhất trí kết hợp tên lửa đẩy siêu trọng của Nga với các chuyến bay vũ trụ có người lái của Trung Quốc, hoặc kết hợp tên lửa đẩy siêu trọng của Trung Quốc với tàu vũ trụ có người lái của Nga”.
Hiện, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận về kế hoạch hợp tác trong không gian với Nga. Mặc dù ông Alexander Bloshenko không nêu rõ loại phương tiện nào sẽ tham gia chương trình hợp tác này nhưng báo cáo của Roscosmos đề cập tên lửa đẩy siêu trọng Yenisei và tàu vũ trụ có người lái Oryol đang được Nga phát triển.
Ben cạnh đó còn có tên lửa đẩy siêu trọng Trường Chinh 9 (Long Mach 9) và phương tiện đưa phi hành đoàn vào không gian thế hệ mới của Trung Quốc đang trong quá trình chế tạo.
Mộc Miên (T/h)