Báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin ngày 17/8, một sản phụ ở xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) trên đường tới Trung tâm Y tế huyện sinh con nhưng dọc đường sản phụ đã đau bụng nhiều, gia đình dừng xe bên đường.
Lúc này, gia đình may mắn gặp được bác sĩ Giàng A Vinh (SN 1993, là cán bộ Trung tâm y tế xã Nậm Khắt) đi ngược chiều, bác sĩ Vinh đã chạy tới hỏi thăm và đã giúp sản phụ vượt cạn thành công.
Bác sĩ Giàng A Vinh giúp sản phụ vượt cạn thành công. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Bác sĩ Giàng A Vinh kể lại: "Lúc đó khoảng 8h30, vợ chồng tôi đi có việc. Tới Quốc lộ 32 thuộc xã La Pán Tẩn thì thấy vợ chồng sản phụ ôm nhau ven đường".
"Tôi dừng xe chạy lại hỏi thăm, khi khám tôi thấy đầu cháu bé bắt đầu nhô ra. Trong tình huống cấp bách, tôi đã đỡ đẻ cho sản phụ. May mắn sản phụ đã mẹ tròn con vuông", bác sĩ nói thêm
Bác sĩ Vinh cũng cho biết sẽ cùng các bác si Trung tâm Y tế xã Nậm Khắt đến nhà sản phụ để thăm khám lại cho mẹ con sản phụ trong thời gian sớm nhất.
Hiện tại, sản phụ và em bé sức khỏe đều ổn định.
Theo VTV Times, người đàn ông 50 tuổi, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, huyết động phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao.
Được biết, người bệnh có dấu hiệu choáng, ngất được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Tại đây, khi các bác sĩ đang thực hiện các biện pháp thăm khám cấp cứu, người bệnh xuất hiện ngừng tim và đã được cấp cứu kịp thời, sau 20 phút có tim đập trở lại.
Sau khi áp dụng các biện pháp hồi sức và ổn định được người bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy đã liên hệ và chuyển người bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ bằng xe cứu thương và có kip hồi sức hỗ trợ khi vận chuyển.
Người đàn ông bị ngừng tim 2 lần. Ảnh: VTV Times
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được tiếp nhận vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng sốc nặng, glasgow 7 điểm, thở theo máy, huyết động phụ thuộc vào 2 thuốc vận mạch liều cao.
Ngay trong 20 phút đầu tiên khi đang được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực và các bác sĩ đang hội chẩn với chuyên khoa tim mạch thì người bệnh tiếp tục xảy ra ngừng tim lần 2. Ngay lập tức, các bác sĩ của khoa đã thực hiện các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn: ép tim, sốc điện… sau 10 phút, tim đập trở lại.
Lúc này, tình trạng người bệnh vẫn rất nặng, các bác sĩ hồi sức và can thiệp tim mạch, cấp cứu tim mạch nghi ngờ người bệnh ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh đã được chụp mạch vành xác định có nhồi máu cơ tim tại vị trí LAD II và được đặt 1 stent.
Sau đặt stent mạch vành, người bệnh tiếp tục được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy nâng cao, dùng các thuốc trợ tim và vận mạch liều cao hỗ trợ huyết động và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu, theo dõi huyết động bằng Pico…
Sau thời gian hồi sức và điều trị tích cực 9 ngày, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, tỉnh táo hoàn toàn, nhịp tim và huyết áp ổn định. Người bệnh tiếp tục được điều trị và theo dõi duy trì bởi 2 chuyên khoa hồi sức và tim mạch.
Theo VTC News, tháng 3/2024, anh C.V.T. (27 tuổi, ở Sơn La) bất ngờ gặp cơn co giật mạnh, méo miệng trong lúc đang ngủ. Sau đó, anh đến bệnh viện địa phương kiểm tra sức khỏe. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ anh có dấu hiệu u não, khuyên nên đến bệnh viện tuyến trên để được chẩn đoán kỹ hơn.
Nghe lời khuyên của bác sĩ, người đàn ông tới một bệnh viện lớn ở Quảng Ninh làm các xét nghiệm. Kết quả cho thấy anh mắc sán não. Anh được điều trị hai tuần, sau đó xuất viện về nhà, tuy nhiên ba tháng sau, anh T. lại bị cơn co giật khác, với triệu chứng nặng hơn.
Lo lắng cho sức khoẻ của con, bố mẹ anh T. đưa người đàn ông xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị. Các bác sĩ phát hiện não anh bị tổn thương nặng do ấu trùng sán lợn gây ra.
Người đàn ông cho biết, anh có sở thích ăn những món chưa nấu chín như tiết canh, nem chạo và rau sống. Những món ăn này phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân quê anh. Anh chia sẻ rằng không ngờ thói quen ăn uống này lại có thể dẫn đến căn bệnh nguy hiểm như vậy.
"Giờ tôi sợ lắm, không dám ăn đồ sống nữa, chỉ ăn chín uống sôi thôi," anh lo lắng bày tỏ.
Hình ảnh phim chụp sán làm tổn thương não bệnh nhân. Ảnh: VTC News
Theo bác sĩ Phùng Xuân Hách, trường hợp của anh T. không phải hiếm. Gần đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ghi nhận sự gia tăng số ca mắc sán não, bao gồm cả người trẻ và người lớn tuổi. Bệnh này do ấu trùng sán lợn gây ra, lây nhiễm qua việc ăn các món chưa nấu chín như tiết canh, thịt lợn sống hoặc nem chạo.
Nguyên nhân chính khiến số ca bệnh tăng là do quan niệm sai lầm về việc ăn thịt lợn sạch. "Nhiều người nghĩ lợn nuôi ở nhà là an toàn nhưng thực tế vẫn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng trong quá trình nuôi. Bất kỳ ai ăn các món như tiết canh, nem chạo, hoặc thịt sống đều có nguy cơ mắc sán não cao," bác sĩ Hách giải thích.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tránh ăn các món chưa nấu chín như tiết canh và thịt sống. "Người dân cần ăn chín uống sôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến," bác sĩ Hách nhấn mạnh.
Bác sĩ cũng khuyên mọi người nên cẩn trọng khi chọn thực phẩm, đặc biệt trong các dịp lễ hoặc tiệc tụ họp khi thói quen ăn các món sống vẫn phổ biến.
Bệnh sán não có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng như co giật, đau đầu kéo dài, buồn nôn hoặc giật cơ, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị sớm.