Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 14/7/2024: Đồng Nai ghi nhận 5 trường hợp bị chó dại cắn

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 14/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đồng Nai ghi nhận 5 trường hợp bị chó dại cắn

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai vừa thông tin về việc ghi nhận 5 trường hợp bị chó dại cắn tại huyện Vĩnh Cửu, theo VOV.

Cụ thể, gia đình bà N.T.K (ngụ ấp 6, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) nuôi một con chó chưa tiêm phòng dại gần 3 tháng nay. Khoảng hơn 1 tuần trước khi con chó chết, gia đình nhận thấy con chó có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi, bỏ ăn. 

Vào chiều tối 4/7, con chó chạy tới nhà ông P.D.V (61 tuổi, ngụ ap 6, xã Vĩnh Tân). Khi thấy con chó lạ chạy vào nhà, ông V. cùng vợ là bà Đ.T.B (56 tuổi) dùng dây điện để bắt chó, trong quá trình bắt con chó do sơ ý ông V. bị chó cắn vào cổ tay và bà B. bị cắn vào đầu gối.

Đồng Nai ghi nhận 5 trường hợp bị chó dại cắn. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Online

Trưa 5/7, ông N.V.V (50 tuổi, ở cùng địa chỉ trên) đang đi bộ ngoài đường thì bất ngờ bị con chó nhà bà K. lao tới cắn vào cẳng chân phải. Đến 14h cùng ngày, con chó quay trở về nhà bà K. nhưng bà không biết là con chó đã cắn 3 người hàng xóm, bà mang đồ ăn ra cho ăn và bắt ve cho con chó.

Đến 17h cùng ngày, cháu gái là H.N.M.T (11 tuổi) đang chơi ở sân nhà bà K. thì bị con chó chạy tới cắn vào cẳng chân trái. Khoảng 18h cùng ngày, bà K. đi ngang qua chỗ con chó đang nằm thì bị cắn 2 lần liên tiếp vào cẳng chân trái.

Sau đó, nhà bà K. đã bắt và nhốt con chó lại. Tới chiều 6/7, con chó chết. Nhận tin báo, cơ quan chức năng tới lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và tiêu hủy con chó. Đến ngày 8/7, mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại trên chó.

Căn bệnh khiến người phụ nữ đi cấp cứu lúc rạng sáng

VietNamNet đưa tin, rạng sáng 12/7, bệnh nhân C.T.T.G. (32 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên) phải vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) cấp cứu khi lên cơn hen cấp tính.

Chị G. bị hen, luôn mang theo thuốc xịt để sử dụng trong các trường hợp bất ngờ. Khi người phụ nữ này đang ngủ, cơn hen xuất hiện đột ngột. Dù bệnh nhân sử dụng thuốc xịt định liều nhưng cơ thể không đáp ứng thuốc nên khó thở, ho nhiều và có đờm trắng.

Bệnh nhân nhanh chóng vào viện để được cấp cứu và điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản bội nhiễm, dùng thuốc theo phác đồ. Đến trưa cùng ngày, bệnh nhân trở về trạng thái ổn định, xin xuất viện.

Người phụ nữ có kiến thức rất tốt về bệnh, cách xử lý cơn hen cấp tính nhanh, quyết đoán nên không rơi vào tình huống nguy hiểm. Ảnh: VietNamNet

Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có tiền sử hen phế quản mạn tính nhưng có kiến thức rất tốt về bệnh, cách xử lý cơn hen cấp tính nhanh, quyết đoán nên không rơi vào tình huống nguy hiểm. 

Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khuyến cáo việc nhận biết cơn hen phế quản và xử trí ban đầu đúng rất quan trọng, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi đưa vào bệnh viện.

Người bệnh nên tránh xa các tác nhân gây khởi phát cơn hen, luôn đem theo thuốc bên mình và kịp thời nhập viện khi có dấu hiệu nguy hiểm. 

Bị xuất huyết tiêu hóa, thiếu niên 16 tuổi nhập viện 2 lần trong 3 tháng 

Theo VTC News, cuối tháng 6, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp của em H.M.T (16 tuổi, ở Ninh Bình) với các triệu chứng nghiêm trọng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài phân đen và đau bụng. Qua nội soi và các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori).

Đáng chú ý, vào tháng 4, H.M.T từng điều trị tại bệnh viện địa phương với tình trạng tương tự trong suốt hai tuần. Sau hai tháng, bệnh của em tái phát với biểu hiện nghiêm trọng hơn.

ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tái phát xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng có nhiễm vi khuẩn H. pylori là bệnh nhi chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị nghiêm ngặt.

Thêm nữa, chế độ ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt cũng chưa phù hợp, như ăn xong đã hoạt động thể lực, học hành ngay hoặc miệt mài chơi điện tử, ăn và uống những thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm hóa chất và nhiều căn nguyên khác.

Các bác sĩ tiến hành nội soi đường tiêu hóa. Ảnh minh họa: VTC News

Theo bác sĩ Hiếu, xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em thường có nhiều biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân máu kèm các biểu hiện khác như đau bụng, nuốt đau, ợ hơi, ợ chua, ăn kém, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, da tái nhợt, xanh xao.

Xuất huyết đường tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, viêm thực quản, viêm dạ dày, loét hành tá tràng… với các yếu tố nguy cơ rất đa dạng như sử dụng một số thuốc (corticosteroid, NSAIDs...), các chất ăn mòn, dị vật đường tiêu hóa, tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, có người nhiễm H. pylori, rối loạn đông máu, rối loạn huyết học và một số bệnh tiêu hóa phức tạp khác.

Đại đa số các trường hợp nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai là các trẻ bị xuất huyết tiêu hóa trên, tập trung ở nhóm trên 10 tuổi, đặc biệt là lứa tuổi từ 14 đến 16 tuổi. Đây cũng là biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em. 

Bác sĩ Hiếu khuyến cáo, xuất huyết tiêu hóa là một bệnh lý tiêu hóa thường xảy ra ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp có thể lành tính nhưng trong nhiều trường hợp cần đến can thiệp, cấp cứu kịp thời để tránh biến chứng và nguy cơ tử vong.

Các cha mẹ nên trang bị kiến thức về cách chăm sóc, quản lý chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập, vui chơi của các con. Khi có những biểu hiện nêu trên, cần cho con đi khám ngay và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của các bác sĩ để tránh bệnh tiến triển nặng lên hoặc tái phát.

Tin nổi bật