Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 14/3: 60 người ở Khánh Hòa nghi bị ngộc độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/3/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 14/3/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

60 người ở Khánh Hòa nghi bị ngộc độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà

Báo Khánh Hòa đưa tin tối 13/3, bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế TP.Nha Trang, đến chiều tối 13/3, tổng số ca nghi bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại các bệnh viện sau khi ăn cơm gà tại quán Cơm gà T.A (số 10 Bà Triệu, TP.Nha Trang) là 60 người. Trong đó, 20 người có các triệu chứng nhẹ, sau khi được sơ cứu đã xuất viện trong ngày; còn 40 người vẫn đang nằm theo dõi, hiện tại sức khoẻ đều ổn định.

Trước đó, vào 20h30 ngày 12/3, Trung tâm Y tế TP.Nha Trang có nhận tin báo một số trường hợp nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm nghi ngờ do ăn cơm gà. Ngay khi nhận được tin, Phòng Y tế Nha Trang, Trung tâm Y tế TP.Nha Trang (Đội điều tra ngộ độc thực phẩm thành phố) đã nhanh chóng nắm bắt thông tin, điều động toàn bộ nhân lực đi điều tra tại các bệnh viện có bệnh nhân nhập viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang).

Kết quả, tất cả bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng ban đầu: Đau bụng, buồn nôn, nôn, đi cầu phân lỏng, sốt, mệt lả. Nguyên nhân gây ngộ độc hiện vẫn chưa xác định.  

Một số bệnh nhân nhập viện nghi bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế Nha Trang đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế và đoàn kiểm tra liên ngành ATTP thành phố lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình bệnh nhân ở cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Anh M.C (TP.Nha Trang) cho biết, hôm 11/3, gia đình anh có ghé quán ăn ở đường Bà Triệu mua cơm gà cho con trai. Đến tối, con của anh có biểu hiện ói, mửa, sốt, mắt đỏ nên cháu được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang điều trị vào sáng hôm sau. Khi đến bệnh viện, anh thấy nhiều người cũng đang điều trị với triệu chứng tương tự.

Được biết, ngay khi nhận được thông tin về vụ ngộ độc, sáng 13/3, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung bệnh nhân, không được chậm trễ cấp cứu cho người bệnh.

Đồng thời, huy động tối đa tất cả các nguồn lực hiện có của đơn vị về nhân lực, thuốc, trang thiết bị để tập trung cấp cứu, điều trị chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nói trên.

Trong đó, yêu cầu người bệnh bị ngộ độc có triệu chứng nặng, trẻ em và người già ưu tiên chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Các cơ sở y tế kịp thời hội chẩn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh về mặt chuyên môn khi có ca bệnh diễn biến bất thường, phức tạp hay xấu hơn, khó tiên lượng, tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng, vượt quá khả năng thu dung điều trị của đơn vị. Khi tiếp nhận bệnh nhân, phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, lưu mẫu bệnh phẩm; phối hợp cung cấp mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm…

Bác sĩ Lê Văn Khoa cho biết: “Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm TP.Nha Trang trong suốt quá trình điều tra; thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến vụ ngộ độc thực phẩm để tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời… Sở Y tế sẽ thông tin nguyên nhân gây ngộ thực phẩm sớm nhất khi có kết quả điều tra và các mẫu xét nghiệm”.

Được biết, sáng 13/3, quán Cơm gà T.A đã bị tạm đình chỉ kinh doanh để điều tra.  

Cứu sống người phụ nữ sốc đa chấn thương, nguy cơ tử vong cao

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trung tâm tiếp nhận bệnh nhân nữ (40 tuổi, trú tại thôn 6, xã Quảng Long, huyện Hải Hà) vào viện trong tình trạng tinh thần lơ mơ, tiếp xúc chậm, liệt tứ chi vùng mặt có vết thương chảy nhiều máu, nhiều dị vật. Mạch bệnh nhân nhanh nhỏ, huyết áp không đo được.

Ngay sau khi vào viện, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và thực hiện chụp cắt lớp cùng làm các xét nghiệm liên quan. Kết quả phát hiện bệnh nhân bị vỡ đốt sống cổ chèn ép tủy, có tình trạng mất máu, nhiều dịch khí trong ổ bụng. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc đa chấn thương, vỡ gan, vỡ tạng rỗng và liệt tứ chi do vỡ đốt sống cổ.

Xác định bệnh nhân nguy cơ tử vong cao, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà đã kích hoạt báo động đỏ, đồng thời chuyển ngay bệnh nhân vào phòng mổ. Trong quá trình mổ cấp cứu phát hiện trong ổ bụng bệnh nhân có khoảng 1.800ml dịch máu không đông lẫn máu cục, gan trái có đường vỡ dạng chân chim dài đến cuống gan đang chảy máu. Tiến hành khâu cầm máu, bác sĩ đã kiểm tra các tạng trong ổ bụng thấy manh tràng bị dập vỡ nên tiến hành làm hậu môn nhân tạo.

Sau khoảng 3 giờ phẫu thuật và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã thoát khỏi nguy cơ tử vong. Trong và sau mổ bệnh nhân đã được truyền 1.000ml máu cùng nhóm. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị chèn ép tủy.

Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho bệnh nhân 100 tuổi

Báo Hà Tĩnh đưa tin ngày 4/3, Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) tiếp nhận cụ ông L.X.T (SN 1924, trú tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh) vào viện với biểu hiện đau bụng đã 2 ngày kèm theo sốt, nôn.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Sau khi tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm ruột thừa muộn, vết mổ cũ ở ổ bụng liền sẹo xấu. Ngay sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa.

Bác sĩ Võ Minh Tuấn - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: “Đối với trường hợp bệnh nhân này, khó khăn lớn đặt ra là người bệnh đã rất cao tuổi, thể trạng già yếu kèm theo tiền sử có vết mổ cũ ổ bụng liền sẹo xấu nên việc phẫu thuật sẽ phức tạp hơn do sức chịu đựng và sức hồi phục của người bệnh đã giảm. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm phúc mạc, dẫn đến sốc nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh”.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các phẫu thuật viên cùng kíp gây mê, ca phẫu thuật diễn ra an toàn. Sau một thời gian điều trị sau phẫu thuật, ngày 13/3, bệnh nhân đã được xuất viện.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật