Bàn tay mưng mủ, phù nề sau khi đắp thuộc nam điều trị rắn độc cắn
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận một trường hợp bị hoại tử bàn tay sau khi điều trị rắn độc cắn bằng thuốc nam. Cụ thể, bệnh nhân T.V.T (36 tuổi, thường trú ở xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nhập viện chiều 7/9 trong tình trạng bàn tay trái bị mưng mủ, phù nề sau một thời gian đắp thuốc nam để điều trị rắn độc cắn.
Thông tin từ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), hiện tại bệnh nhân đã được sắp xếp phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ phần thịt bị hoại tử, lộ phần gân và tới tận xương bàn tay.
Sau đó sẽ tiến hành chăm sóc nuôi cấy đặc biệt, điều trị sẽ kéo dài trong thời gian dài và cần phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để phục hồi bàn tay. Chắc chắn bàn tay của bệnh nhân sau này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, không thể như ban đầu được do bị tổn thương quá nặng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bàn tay trái bị mưng mủ, phù nề sau một thời gian đắp thuốc nam để điều trị rắn độc cắn. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn phải có biện pháp sơ cứu, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cấp cứu sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Không nên dùng thuốc nam điều trị, sẽ khó giải độc được nọc độc rắn; đắp thuốc nam có tính nóng sẽ dẫn tới tổn thương và hoại tử phần thịt phía dưới da.
Ông T.V.T (bố ruột của bệnh nhân bị rắn cắn) cho biết, bệnh nhân bị rắn hổ mang bành cắn, sau đó đưa vào Bệnh viện A Thái Nguyên điều trị, truyền nước, giải độc và đã qua cơn nguy kịch.
Đến hôm sau, gia đình xin ra viện về để tự điều trị tiếp tục bằng thuốc nam của một thầy lang ở xã Phúc Tân (TP.Phổ Yên). Sau 10 ngày, thấy tay bị sưng, mưng mủ, bệnh nhân mới được đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu.
15 người nhập viện sau khi ăn bún vào buổi sáng
VietNamNet dẫn lời TS.BS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, cho biết trưa nay các bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 15 người vào khám nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bún vào buổi sáng.
Trong số các bệnh nhân này, nhiều trường hợp là người cùng gia đình, bao gồm trẻ em. Những người này vào viện trong tình trạng nôn mửa, đau bụng, đau đầu, đau vai gáy, mỏi chân tay.
Theo bác sĩ Nghĩa, qua khai thác từ người nhà, 15 bệnh nhân này trú tại hai địa chỉ phường Noong Bua, Nam Thanh, xã Thanh Minh (TP.Điện Biên Phủ) và xã Thanh Yên (huyện Điện Biên).
Người nhà bệnh nhân đến từ xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) chia sẻ, buổi sáng những người này ăn bún ở một cơ sở tại địa phương. Đến 10h, các bệnh nhân bắt đầu biểu hiện người ớn lạnh, buồn nôn, đau bụng… Một số trẻ đi học có biểu hiện ngộ độc nên nhà trường đã liên hệ gia đình đưa đi cấp cứu.
Tương tự, các trường hợp trú tại thành phố Điện Biên Phủ cũng ăn sáng tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Các bệnh nhân điều trị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Ảnh: VOV
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng tiến hành đánh giá tình trạng và xử lý theo đúng phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhân đã được truyền dịch và sử dụng kháng sinh đường tiêu hóa.
Bác sĩ Nghĩa cho biết thêm, đến tối 8/9, sức khỏe tất cả bệnh nhân đều tạm thời ổn định, tỉnh táo, không còn đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cũng báo cáo Sở Y tế tỉnh Điện Biên về các trường hợp này để các cơ quan chức năng xác định rõ nguyên nhân dẫn tới ngộ độc.
Xác định được nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở TP.HCM
Theo thông tin trên VTV News, kết quả báo cáo nhanh của phòng xét nghiệm thuộc Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đại học Oxford (OUCRU) cho biết, enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).
Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây, theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM, nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới – OUCRU đã phối hợp với Bệnh viện Mắt TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã tiến hành khảo sát nhanh tìm tác nhân đối với những bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM vì đau mắt đỏ.
Có 39 bệnh nhân đau mắt đỏ bao gồm 20 nam, 19 nữ bao gồm cả người lớn và trẻ em với độ tuổi trung bình 19.7 tuổi (biến thiên: 4-64) đến khám tại Bệnh viện Mắt vào ngày 7/9/2023 được lấy mẫu bệnh phẩm (mẫu phết mí mắt dưới).
Enterovirus và adenovirus là hai tác nhân được tìm thấy trong 37/39 (95%) bệnh nhân được xét nghiệm. Ảnh minh họa
Các bệnh nhân đến từ 13 quận huyện trên địa bàn TP.HCM và Thủ Đức (n=30), 5 từ Bình Dương, 2 từ Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 từ Long An và 1 từ Tiền Giang. Các mẫu bệnh phẩm sau khi lấy được gửi đến phòng xét nghiệm của đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác với OUCRU tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để thực hiện kỹ thuật PCR đa mồi tìm adenovirus, enterovirus, metapneumovirus và các parainfluenza virus.
Ngày 8/9/2023, sau khi phân tích PCR nhóm nghiên cứu phát hiện adenovirus trong 5 bệnh nhân, enterovirus trong 32 bệnh nhân, 2 ca không tìm thấy tác nhân. Không có trường hợp nào dương tính với metapneumovirus hay parainfluenza virus, cũng không có trường hợp nào đồng nhiễm giữa enterovirus và adenovirus.
Như vậy, enterovirus và adenovirus là hai tác nhân được tìm thấy trong 37/39 (95%) bệnh nhân được xét nghiệm. Trong đó, enterovirus chiếm ưu thế (32/37, 86%), còn tác nhân hay gặp trước đó là adenovirus chỉ chiếm số ít (5/37, 14%).
XEM THÊM: Cho nắm muối vào máy giặt, chị em nội trợ tròn mắt vì "phản ứng" bất ngờ
Nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích giải mã gene nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh và kiểu gene của các enterovirus và adenovirus gây bệnh.
Đinh Kim (T/h)