Nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng sau khi nâng ngực bằng sóng xung kích
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 8/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 31 tuổi ở Bắc Giang bị áp xe ngực và nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng sau khi nâng ngực tại một cơ sở spa.
Bệnh nhân được đưa tới khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu trong tình trạng ngực trái sưng nóng, đỏ đau. Theo chia sẻ của bệnh nhân, cách đây 1 tháng, nghe thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, người phụ nữ này đã đến một cơ sở spa với mong muốn cải thiện vòng 1 nên đã bỏ ra 6 triệu đồng để cơ sở spa dùng sóng xung kích làm tăng thể tích ngực.
Tuy nhiên, trong quá trình làm, chủ spa bảo tình trạng ngực của bệnh nhân cần dịch vụ sóng xung kích cao cấp hơn và yêu cầu đóng 20 triệu đồng, bệnh nhân có thể trả sau, trả góp. Sau đó, bệnh nhân bị spa bịt mắt, tiêm chất làm đầy không rõ loại, số lượng và cấy chỉ vào ngực.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Ngày hôm sau, nữ bệnh nhân bị đau ngực, khó thở, nổi ban đỏ toàn thân nên được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long. Tiếp đó, bệnh nhân quay lại spa tiêm tan, rút chỉ và được dùng kháng sinh chống viêm kéo dài gần 1 tháng nhưng ngực trái vẫn bị đau tức kéo dài. Do vậy, nữ bệnh nhân này đã tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch ngực trái và hút ra 40cc dịch vàng đục. Đặc biệt, sau khi hút dịch ra khỏi ngực trái, qua xét nghiệm, các bác sĩ đã phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch.
Bác sĩ Lưu Phương Lan, khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu cho biết, do các chất tiêm vào ngực là chất không có nguồn gốc rõ ràng, không được Bộ Y tế cấp phép gây viêm và hoại tử nhu mô tuyến vú. Đã có rất nhiều trường hợp viêm tấy áp xe tuyến vú sau tiêm chất lạ vào, phải phẫu thuật nhiều lần gây tàn phá cho nhu mô tuyến vú, thậm chí, cắt toàn bộ nhu mô tuyến vú.
Người đàn ông thủng dạ dày vì uống thuốc xương khớp mua qua quảng cáo
VietNamNet thông tin, nam bệnh nhân nhập viện vào Trung tân Y tế Yên lập (Phú Thọ). Bệnh nhân cho biết đã tự mua thuốc được quảng cáo điều trị đau xương khớp về uống, dẫn đến tình trạng viêm dạ dày biến chứng thủng dạ dày.
Hình ảnh trên chụp CT-Scanner người bệnh hiện rõ có nhiều khí tự do vùng thượng vị, dịch tự do ổ bụng vùng thấp trong tiểu khung. Người bệnh được phẫu thuật cấp cứu mổ nội soi, bơm rửa sạch ổ bụng, khâu lỗ thủng vị trí bờ cong nhỏ dạ dày, dẫn lưu ổ bụng.
Bác sĩ CKI Hoàng Mạnh Thuần, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Chuyên khoa, nhận định đây là ca cấp cứu ngoại bụng nặng. "Người bệnh bị viêm phúc mạc ổ bụng toàn thể do có nhiều dịch tiêu hóa và thức ăn tràn vào ổ bụng qua lỗ thủng, ổ bụng có nhiều dịch đục, bẩn, vùng góc gan nhiều dịch lẫn giả mạc", bác sĩ Thuần nói.
Bệnh nhân ổn định sau ca phẫu thuật và đã được xuất viện. Ảnh: VietNamNet
Theo Trung tâm Y tế Yên Lập, gần đây đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh vào viện mổ cấp cứu vì thủng dạ dày, tá tràng do biến chứng của việc tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị bệnh lý cơ xương khớp.
Việc này được cảnh báo là rất nguy hiểm do người bệnh không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Thuần khuyến cáo nếu mắc bệnh lý xương khớp, bệnh nhân phải đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các bệnh nhân bị bệnh lý dạ dày, tá tràng, phải được thăm định kỳ, điều trị kịp thời, phòng nguy cơ bị viêm phúc mạc toàn thể, dẫn đến bị sốc nhiễm trùng, nguy hiểm hơn có thể tử vong.
Cấp cứu người phụ nữ có chỉ số đường huyết tăng cao 28mmol/l
VOV đưa tin, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cấp cứu thành công người phụ nữ nhập viện trong tình trạng chỉ số đường huyết tăng cao 28 mmol/l - cao gấp nhiều lần người bình thường, đau bụng, nôn ói liên tục.
Cụ thể, ngày 1/5, nữ bệnh nhân N.H.X.P (27 tuổi, ở TP.Cần Thơ) nhập viện Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt nhiều, ăn uống kém, môi khô, khát nước, tiểu nhiều, rối loạn tri giác, vật vã, đã uống thuốc điều trị 3 ngày nay nhưng không giảm.
Người bệnh hiện đã xuất viện và theo dõi tái khám định kỳ. Ảnh: VOV
Gia đình bệnh nhân cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, chị sụt 4 kg và có tiền sử hen phế quản. Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, kết quả cho thấy người bệnh mắc đái tháo đường type 1, nhiễm toan ceton, suy thận cấp, rối loạn lipid máu (Glucose máu: 512 mg/dL, HbA1c: 12,3 %, Cetone niệu 150 mg/dl; khí máu động mạch: pH: 7.1, HCO3: 5.1 mEq/L).
Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn cấp 2 và nhanh chóng chuyển khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) điều trị tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng insulin qua bơm tiêm điện, bù bicarbonat, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, giảm khát, tiểu nhiều, đường huyết dần ổn định và được chuyển lên khoa Nội tiết điều trị tiếp.
Tại khoa Nội tiết, người bệnh được chuyển từ insulin tĩnh mạch (bơm tiêm điện) sang tiêm dưới da, bù dịch, đánh giá tình trạng nhiễm ceton đã ổn định: chỉ số đường huyết <200 mg/dL, HCO3 > 18 mEq/L, pH máu > 7,3. Hiện, người bệnh đã xuất viện và theo dõi tái khám định kỳ.
Đinh Kim (T/h)